Chẳng còn mấy năm nữa ông D. đến tuổi nghỉ hưu. Thời gian trôi qua nhanh hơn ông nghĩ. Gần 60 năm cuộc đời thì ông đã hơn 55 năm ông có cuộc sống viên mãn hơn nhiều người khác. Sinh ra và lớn lên trong gia đình gia giáo, bản thân là công chức Nhà nước, ngày đứa con trai ra đời, vợ chồng ông xem như toại nguyện với những lời chúc... Cuộc sống quả chẳng có gì để ông suy nghĩ nhiều, thế hệ của ông để nuôi hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn dễ dàng hơn thời ba mẹ ông phải thức khuya dậy sớm mới đủ lo cái ăn cái mặc cho 5 người con.

Con gái lớn lên, ổn định công việc rồi thành gia thành thất cũng là lẽ tự nhiên. Đến lượt thằng Th., học xong đại học xem như đã trưởng thành, chỉ còn chờ tìm một công việc ổn định rồi lo chuyện vợ con cho nó xong là ông bà yên tâm hưởng tuổi già. Vậy mà, chỉ vì thời gian tìm việc cho nó hơi lâu, những hiện tượng lạ cứ dần kéo đến căn nhà vốn bình yên của ông. Bắt đầu từ việc tiền trong ví của hai vợ chồng hao hụt không lý do đến đồ đạc trong nhà không cánh mà bay... cho tới sức khỏe con ngày một sa sút đến mức bà con chòm xóm ai thấy cũng nhận ra. Và, dù ông không muốn tin thì tin xấu cũng đã đến như cảm nhận của ông vào cái ngày công an khu vực vào nhà đưa nó đi với tội danh trộm cắp vặt. Tội của Th. chỉ ở mức phạt hành chính, nhưng qua kết luận của cơ quan công an thì gia đình phải đưa Th. đến trung tâm cai nghiện. Mọi mong đợi cứ dần trở thành vô vọng.

Bốn tháng con trai điều trị ở trung tâm cai nghiện là thời gian để ông D. nhìn lại tất cả. Từ cái giật mình thảng thốt chấp nhận sự thật rồi ngỡ ngàng tự hỏi ông đã sai từ đâu? Phải chăng ông đã chủ quan khi quá tự tin khi nghĩ rằng lo cho con đủ ăn đủ mặc, được đến trường là đủ.

Không phải ai học xong đại học cũng thành người. Ông không quản con nữa từ khi nó tốt nghiệp, mười mấy năm đèn sách, trong lúc chưa tìm được việc làm, nhà có điều kiện cho con tiêu xài thoải mái một tý cũng có sao đâu. Nào ngờ, xã hội không còn an toàn như thời của ông nữa, chuyện ma túy đang xâm nhập đời sống con người từ thành thị đến nông thôn, được các phương tiện thông tin cảnh báo hàng ngày... Thế nhưng, ông không nghĩ đến chuyện phải phòng ngừa vì tự tin nó sẽ không bao giờ đến nhà mình.

Chuyện xảy ra rồi ông mới chợt nhận ra, ngoài mải miết làm ăn, bảo đảm cho các con cuộc sống đầy đủ về vật chất thì bạn bè của con là ai, cách nghĩ của con như thế nào hầu như ông đã biết quá ít. Và phải chăng đó là nguyên nhân!

Cũng chỉ chừng ấy thời gian, những người khách trong quán cà phê nhỏ cũng đã quen với hình ảnh một cặp cha con ngày nào cũng tỉ tê tâm sự như đôi bạn thân. Cậu trai trẻ ngày một tỏ ra cởi mở; còn người cha, trong ánh mắt buồn buồn nuối tiếc vẫn đâu đó lóe lên những tia hy vọng như cuộc sống lại một lần nữa bắt đầu với họ.

ĐĂNG VIỆT