TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Trung tâm BTDTCĐ Huế là một mô hình khá đặc biệt. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập có thu và nguồn thu ấy càng ngày càng lớn, đủ cho đơn vị có thể tự chủ mọi hoạt động.
TS. Phan Thanh Hải cho biết: Giai đoạn năm 2005-2006, Trung tâm đã được thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu và được tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, nhưng đến năm 2010 đơn vị phải thực hiện theo Quyết định 2692/QĐ-UBND của UBND tỉnh; nghĩa là toàn bộ nguồn thu phí tham quan phải nộp vào ngân sách 100%. Như vậy, tuy là đơn vị tự chủ tài chính theo Nghị định 43, nhưng thực chất Trung tâm chỉ là đơn vị sự nghiệp và thu nộp ngân sách 100%. Hằng năm,Trung tâm xây dựng cụ thể kế hoạch chi trình UBND tỉnh, được HĐND thông qua, Sở Tài chính lấy đó làm căn cứ để cấp về qua kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước. Quy trình này giúp cho Trung tâm quản lý các phần chi rõ ràng minh bạch, tránh lạm chi. Nhưng mặt khác, nó lại khiến Trung tâm trở thành đơn vị không còn hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính đúng nghĩa.
Đâu là cơ sở để HĐND tỉnh thông qua cơ chế tự chủ một phần tài chính của Trung tâm, thưa ông?
Trong các năm trở lại đây, công tác quản lý tài chính của Trung tâm được cải thiện đáng kể. Qua các đợt kiểm tra, thanh tra tài chính, kiểm toán…, các cơ quan tài chính đều đánh giá việc quản lý tài chính của Trung tâm rất “sạch”, khoa học và minh bạch. Để tạo điều kiện cho Trung tâm chủ động trong các hoạt động, chính các đơn vị kiểm toán đề nghị nên chuyển cho Trung tâm trở thành đơn vị tự chủ đúng nghĩa, theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015, quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Để phù hợp với một đơn vị tự chủ theo quy định này, điều kiện duy nhất là Trung tâm phải tự chủ được nguồn thu vào và chủ động trong các kế hoạch chi. Trước tình hình đó, Trung tâm phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu cách thức tự chủ như thế nào, ở tỷ lệ nào thì hợp lý. Được tự chủ 35%, đó không chỉ là việc tạo cơ chế chủ động tài chính cho Trung tâm mà còn trao quyền cho Trung tâm tích cực hơn trong việc sắp xếp mọi nhiệm vụ gìn giữ Quần thể di tích Cố đô Huế. Hơn nữa, việc đó cũng kích thích chúng tôi có những giải pháp để tăng nguồn thu, vừa có lợi cho ngân sách vừa tạo cơ hội có nguồn lực nhiều hơn để làm những việc khác, đồng thời, phải tính toán kỹ các giải pháp quản lý nội bộ để tiết kiệm chi phí.
Tại sao là 35% nguồn thu mà không phải làn con số khác, lớn hơn chẳng hạn?
Trong những năm đầu sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế mới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993), nguồn thu hàng năm do Trung tâm thực hiện chưa đủ để phục vụ các hoạt động thường xuyên của đơn vị. Hơn 10 năm trước, trên cơ sở nguồn thu của Trung tâm, Sở Tài chính có đề xuất cho Trung tâm một cơ chế 60-40. Nghĩa là Trung tâm được giữ lại 60% nguồn thu từ vé tham quan, 40% còn lại nộp vào ngân sách. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thu chúng ta có được từ Di sản văn hóa này ngày càng nhiều, đi cùng với đó khối lượng công việc được giao cho Trung tâm cũng ngày càng lớn nên chúng tôi xác định mức tự chủ 35% là hợp lý. Trung tâm được giữ lại 35% nguồn thu từ vé tham quan để chủ động phục vụ các hoạt động chi thường xuyên, 65% còn lại sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ này sẽ áp dụng trong 2 năm 2019-2020. Sau năm 2020, sẽ chuyển sang giai đoạn khác, và tỷ lệ trên có thể sẽ được điều chỉnh cho phù hợp căn cứ vào nguồn thu thực tế. Chúng tôi cũng căn cứ vào kế hoạch thu của các năm 2019, 2020 và tình hình thực tế chi qua các năm gần đây, khối lượng công việc của những năm tới trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Vì vậy, HĐND tỉnh đã đồng thuận và nhất trí thông qua.
Theo ông, nguồn lực Nhà nước dành cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế lâu nay như thế nào?
Ở mức độ nào đó, đây là thực tế đáng buồn. Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách và sự quan tâm đối với công tác gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa, nhưng riêng về kinh phí thì sự đầu tư vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy, nguồn lực đầu tư cho di sản văn hóa hiện nay đang hết sức khiêm tốn so với các ngành khác, như: xây dựng, giao thông, giáo dục... Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng thực tế lại có phép tính đơn giản: Kinh phí đầu tư cho Quần thể di tích Cố đô Huế trong 25 năm, kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay, mới khoảng 1.600 tỷ đồng, vì thế, một đại biểu Quốc hội đã so sánh, con số này chưa bằng kinh phí đầu tư cho 1km đường sắt trên cao Hà Nội – Hà Đông.
Trong vài năm tới, công tác trùng tu Quần thể di tích Cố đô Huế sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi nguồn thu tuy ngày càng lớn nhưng phải ưu tiên cho đề án di dời dân cư trong khu vực 1 Kinh thành. Đây là đề án rất quan trọng nhằm an dân, sau nữa là tạo ra cơ hội để trùng tu phục hồi một di sản rất có ý nghĩa của Cố đô Huế và của đất nước Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi đang ấp ủ nhiều dự án để có thể trùng tu phục hồi một số công trình quan trọng, như: điện Cần Chánh, điện Kiến Trung và đầu tư lớn cho điện Thái Hòa. Chưa kể, chúng ta gần như chưa có sự đầu tư đáng kể nào cho hệ thống di tích lăng mộ thời chúa Nguyễn. Những năm qua, việc bảo tồn di sản văn hóa Huế đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, những thành quả đạt được cũng chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được Chính phủ, các bộ ngành hiểu được điều này và có sự chia sẻ, ủng hộ kịp thời đối với công cuộc bảo tồn di sản của cố đô Huế.
Ông có thể mô tả sơ bộ về nhiệm vụ quản lý và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay?
Hiện nay, công việc của Trung tâm rất nhiều. Khi Quần thể di tích Cố đô Huế mới được công nhận Di sản văn hóa thế giới, số lượng di tích giao cho Trung tâm quản lý là 17 điểm, nhưng nay đã gần 40 điểm, gần như trải rộng các địa bàn trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, số lượng công trình đã được trùng tu và đưa vào sử dụng ngày càng nhiều, số lượng khách tham quan khu di sản ngày càng lớn (tăng trung bình từ 10-15%/năm). Quy mô công việc như vậy đòi hỏi nguồn nhân lực và nguồn kinh phí rất lớn để chi cho các hoạt động thường xuyên. Chúng ta có thể hình dung đơn giản việc giữ gìn di sản văn hóa như việc chăm sóc những người già - rất già, mà lại phải đảm bảo cho những con người ấy phải tráng kiện, bền bỉ, không bị bệnh tật quật ngã. Muốn vậy, rất cần sự chăm sóc tỷ mỷ và công phu. Chỉ cần lơ đãng một chút, nguy cơ xảy ra sự cố đáng tiếc sẽ rất lớn. Chia sẻ điều này, chúng tôi mong muốn được lãnh đạo các cấp, các ban ngành liên quan hiểu để có sự phối hợp chủ động và tích cực hơn, vì bảo tồn di sản văn hóa là trách nhiệm chung của cộng đồng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
ĐỒNG VĂN (thực hiện)