Nông sản hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn
Nhiều địa phương đang khuyến khích áp dụng biện pháp sinh học và hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Quan trọng hơn, sản xuất nông nghiệp theo hướng này nhằm phục hồi đất suy thoái, hệ sinh vật thay đổi sau nhiều năm phụ thuộc nông nghiệp vô cơ, từng bước tiến đến nền nông nghiệp bền vững.
Nông nghiệp hữu cơ vốn là nông nghiệp truyền thống của nước ta. Trong lịch sử canh tác, người nông dân đã và chỉ áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: vùi phân xanh, phế thải nông nghiệp vào ruộng, trồng xen các loại cây trồng và bón các loại phân hữu cơ, phân chuồng, tro bếp... Ngoài rải vôi để khử chua cho đất và làm vệ sinh đồng ruộng, người nông dân chưa biết và chưa quen sử dụng phân vô cơ. Nhưng khoảng bốn thập kỷ nay, ngành nông nghiệp sử dụng ngày càng nhiều phân vô cơ, dẫn đến tình trạng lạm dụng, lệ thuộc với mong muốn tăng năng suất nhanh chóng, bất chấp độ phì nhiêu của đất ngày một suy thoái, nghèo kiệt.
Sản xuất phân vô cơ phát triển đã thay thế và lấn át phân hữu cơ. Do nồng độ dinh dưỡng của phân vô cơ rất cao, nên chỉ cần bón một lượng ít, người trồng đã thấy có tác dụng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng và năng suất tăng rõ rệt. Thế nhưng, người nông dân không biết rằng sau một thời gian, chính ngay trên mảnh đất họ canh tác đã và đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng vô cơ hoá sản xuất cây trồng. Độ phì của đất, môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học... bị tổn thương. Chất lượng nông sản giảm sút với nhiều loại nông sản không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều loại rau quả bị dư thừa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hoá học...
Đối mặt với hệ quả nông nghiệp vô cơ, người nông dân từng bước thay đổi nhận thức. Cùng với đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, những năm gần đây, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được áp dụng trở lại. Mô hình trồng lúa hữu cơ ở các vựa lúa Phong Hiền, Phong Bình (Phong Điền), Phú Lương (Phú Vang)... đang ngày càng được nhân rộng. Trồng rau, củ, quả hữu cơ đang được nhiều HTX, hộ nông dân nhiều địa phương từ nông thôn đến các phường như Kim Long, Hương Long, Thủy Biều (TP. Huế) thực hiện thành công và đem lại hiệu quả về giá trị kinh tế, xã hội, môi trường.
Nông nghiệp hữu cơ không chỉ có tác dụng bảo vệ đất, phục hồi đất bị thoái hoá, mà còn giúp duy trì nền nông nghiệp bền vững và an toàn về môi trường. Từ đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng tương đương sản phẩm của thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe con người. Đây cũng là lý do hiện nay nhiều vùng canh tác, người nông dân bắt đầu chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo người trực tiếp sản xuất, nông nghiệp hữu cơ dễ áp dụng. Kỹ thuật canh tác đơn giản, dễ thực hiện; giá thành sản xuất phân hữu cơ rẻ do sẵn nguyên liệu tại chỗ. Điều thu hút người nông dân quay lại với sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là sự đón nhận, ưa chuộng, trân trọng của người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên