BCĐ ghi nhận những góp ý, đánh giá mặt được, tồn tại để thực hiện tốt hơn cuộc vận động

Năm 2018, BCĐ đã phối hợp với Sở Công thương, các sở ban ngành liên quan, các hội: doanh nghiệp (DN), phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, tỉnh đoàn, liên minh HTX, liên đoàn lao động... tuyên truyền phổ biến trong các tầng lớp Nhân dân, vận động các DN, cơ sở phân phối, bán lẻ tham gia các chương trình tháng bán hàng khuyến mại, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa.

Điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam" tại Cửa hàng tiện lợi Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm tại TP. Huế

Thông qua các hội chợ thương mại trong tỉnh, trong nước, quốc tế, hàng trăm lượt kết nối, hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký giữa cơ sở sản xuất kinh doanh với nhà phân phối. Hơn 20 nghìn lượt khách hàng nông thôn, miền núi đã đến tham quan mua sắm tại 5 phiên chợ đưa 100% sản phẩm hàng Việt về nông thôn, với giá trị giao dịch ước đạt 500 triệu đồng/phiên chợ.

Qua đẩy mạnh cuộc vận động, công tác hỗ trợ của cơ quan quản lý và của các DN đã góp phần tạo chuyển biến trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa chất lượng tốt sản xuất trong nước. Để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, BCĐ chỉ ra cần liên kết hiệu quả giữa 3 nhà: sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Trong đó vận động các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ tiên tiến, tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên thị trường, cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng hàng, giá hợp lý, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa và cam kết bảo vệ người tiêu dùng.

                                                                                      Tin, ảnh: Hoài Thương