Tình cờ, thông tin trên được người viết tiếp nhận được từ một người quen  cùng quê. Anh cho hay, năm ngoái, đã quyết định đăng ký xuất khẩu lao động sang Nhật qua một công ty môi giới. Theo tư vấn của công ty này, đây là thị trường lao động ổn định, có thu nhập tương đối cao đối với lao động phổ thông.

Có lý lịch, sức khỏe tốt, anh lần lượt vượt qua các vòng kiểm tra nhưng cuối cùng đã bị loại, với lý do, trên cơ thể có hình xăm.

Thanh niên này cho hay, cách đây vài năm, thấy bạn có hình xăm trên cánh tay, anh bèn bắt chước, tìm đến một cơ sở xăm trổ, xăm lên lưng một bông hoa sen khá lớn.

Bà Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty CP tư vấn thương mại và dịch vụ ACADEMY- đơn vị chuyên về xuất khẩu lao động- cho biết, Nhật là một trong những thị trường lao động “kỵ” hình xăm. Họ không nhận bất kỳ lao động nào có hình xăm trên cơ thể, dù rất nhỏ. Do đó, khi tuyển lao động để xuất khẩu sang thị trường này, điều đầu tiên công ty phải thực hiện là sàng lọc, xem lao động có hình xăm hay không. Nếu có, doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải cam kết xóa hình xăm trong thời gian làm thủ tục, tham gia khóa đào tạo tiếng, nghề ngắn hạn. Nếu không thực hiện cam kết, trước khi bay sang Nhật, trong lần kiểm tra chặt chẽ cuối, họ sẽ bị loại.

Cũng theo giám đốc công ty này, hiện, các hình xăm có thể được xóa triệt để bằng công nghệ laser. Tuy nhiên, chi phí khá tốn kém và mất thời gian. Với những hình xăm rộng, chi phí tẩy xóa tốn kém. Với đối tượng đi xuất khẩu lao động, bỏ ra hàng chục triệu đồng để xóa hình xăm nhiều khi rất khó khăn. Do đó, không ít trường hợp, họ đành chấp nhận bỏ cuộc, đồng nghĩa với việc mất cơ hội xuất khẩu lao động sang thị trường tiềm năng và khá ổn định là Nhật Bản.

Chắc chắn, đây là những thông tin giới trẻ cần lưu tâm. Đôi khi, vì một quyết định vội vàng, việc xăm trổ trên thân thể có thể để lại ảnh hưởng không mong muốn về lâu dài. Chưa kể, việc xăm trổ tùy tiện ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, kỹ thuật... còn tiềm ẩn các nguy cơ  liên quan đến sức khỏe, thẩm mỹ.

Minh Quân