Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay

Theo Viện Toàn cầu McKinsey, việc sử dụng công nghệ tài chính mở rộng có thể thúc đẩy tăng trưởng trên khắp các quốc gia đang phát triển lên tới 3,7 nghìn tỷ USD đến năm 2025, chủ yếu nhờ vào năng suất gia tăng và sự bao trùm tài chính rộng hơn.

Đáng chú ý, nếu những cam kết của số hóa được thực hiện, thế giới sẽ cần phải điều chỉnh các chiến lược đầu tư và tài chính chặt chẽ hơn, nhằm đạt được kết quả phát triển bền vững.

Trong một động thái liên quan hồi tháng trước, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc (LHQ) António Guterres đã tập hợp một đội đặc nhiệm về tài chính kỹ thuật số để giải quyết thách thức phức tạp này.

Với những lý do rõ ràng, tài chính là chìa khóa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và đáp ứng những mục tiêu về phát thải theo Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015. Tuy nhiên, thành công khiêm tốn mà một số quốc gia đạt được trong việc tài trợ cho sự phát triển bền vững vẫn chưa tương xứng với nhu cầu.

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả phát triển bền vững. Chẳng hạn như, các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 và những phản ứng của các nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và bình đẳng thu nhập.

Dù vậy, chính số hóa có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất về lâu dài bằng cách khai thác sức mạnh của các mô hình kinh doanh mới, được thúc đẩy bởi những công nghệ, bao gồm kết nối di động, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, blockchain (chuỗi khối) và Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT).

Tuy nhiên, tiềm năng to lớn đó không được đảm bảo. Cuối cùng, tác động của số hóa đối với sự phát triển bền vững sẽ phụ thuộc vào việc liệu sự xuất hiện của dữ liệu ngày càng nhiều hơn và rẻ hơn, cùng với các phân tích nhanh hơn dẫn đến những quyết định tài chính có liên quan nhiều hơn đến chi phí môi trường và xã hội ngày nay hay không.

Bên cạnh đó, công nghệ tài chính (fintech) có thể đặt công dân ở vị trí trung tâm trong việc mang lại những kết quả phát triển tốt. Điển hình là cuộc cách mạng kỹ thuật số của Kenya đã hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận mọi thứ từ năng lượng mặt trời đến thị trường trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, các nền tảng gây quỹ quần chúng (crowdfunding) như Abundance của Vương quốc Anh, EcoCrowd của Đức, và Ngân hàng NPO của Nhật Bản đang mở khóa cho các giải pháp cho vay bền vững và có trách nhiệm.

Nhìn chung, đã có những gợi ý về sức mạnh của cuộc cách mạng kỹ thuật số trong việc thúc đẩy tài chính cho sự bền vững. Thay đổi cách mọi người sử dụng ngân hàng và đầu tư, cũng như dân chủ hóa việc truy cập vào hệ thống tài chính là những điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển rộng lớn hơn.

Thách thức 

Thách thức hiện nay là suy nghĩ và hành động một cách có hệ thống: ngoại suy từ các ví dụ ở cấp độ bán lẻ để xem xét làm thế nào số hóa có thể điều chỉnh hệ thống tài chính để phát triển bền vững; các nhà đầu tư xác định, phân tích và giảm thiểu rủi ro như thế nào; thị trường vốn chuyển động ra sao; và cách các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý tiến đến công việc của họ.

Vấn đề là hầu hết các giải pháp đều bị phân mảnh và tập trung hẹp, trong khi những vấn đề gây ra mối đe dọa hiện hữu cho nhân loại, như biến đổi khí hậu thì phần lớn lại nằm ngoài hầu hết các quyết định tài chính.

Tiết kiệm trong nước không được chuyển sang tài trợ cho cơ sở hạ tầng bền vững. Tài chính bền vững cho đa dạng sinh học hầu như vẫn bị bỏ qua bởi cuộc cách mạng công nghệ tài chính. Trong khi đó, ngay cả sự bao trùm tài chính, nơi mà công nghệ tài chính đã và đang có những tác động phát triển lớn nhất cho đến nay, cũng phải mất một chặng đường dài để giảm thiểu đói nghèo và bất bình đẳng.

Như Tổng Thư ký Guterres đã nói vào tháng trước khi ông tuyên bố triển khai lực lượng đặc nhiệm, công nghệ kỹ thuật số có thể là một yếu tố dẫn đến sự thay đổi trong việc mang lại tiến bộ cho SDGs. Với sự lãnh đạo và hướng dẫn chính sách, số hóa tài chính có thể mở ra những vai trò cho các công dân được trao quyền để định hình tương lai của nền kinh tế thực. Trọng tâm bây giờ là phải nắm bắt cơ hội đột phá này để đảm bảo rằng, hệ thống tài chính thực hiện tiềm năng của nó để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện, bền vững.

Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)