Hầu hết mọi “điểm nóng” của thế giới đều tập trung về Trung Đông trong năm 2018, nhấn chìm cả khu vực trong biển lửa và thảm họa nhân đạo tàn khốc. Trung Đông mảnh đất hứng chịu xung đột chồng xung đột. Bản thân các nước trong khu vực không dễ gì tìm được tiếng nói chung để giải quyết những đối đầu “truyền kiếp”.
Trung Đông trong năm 2018 vẫn là vùng đất hứng chịu xung đột chồng xung đột. Ảnh: Reuters
Căng thẳng chưa bao giờ hạ nhiệt tại khu vực này khi có thêm những “ông lớn” như Nga và Mỹ đang tìm mọi cách để gia tăng ảnh hưởng tại đây. Từ căng thẳng Israel-Palestin khiến Dải Gaza nhuốm máu, đến cuộc chiến ác liệt chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vấn đề hạt nhân Iran, Iraq… đến các cuộc nội chiến tại Syria, Yemen.
Chính sách của Mỹ làm đảo lộn tình hình Trung Đông
Dải Gaza - vùng đất bị “nhuộm máu” vì xung đột khi căng thẳng Israel-Palestine không thể giải quyết với đỉnh điểm vào ngày 14/5/2018 khi Mỹ khánh thành Đại sứ quán tại Jerusalem – một động thái khiến giới chuyên gia cảnh báo có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã đình trệ tiếp tục lâm vào thế bế tắc.
Trong khi đó, căng thẳng Mỹ-Iran một lần nữa đe dọa “khai tử” thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 vào năm 2015. Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận mà ông gọi là “tồi tệ nhất lịch sử”. Theo đó, Washington cũng tái áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ với Iran. Cùng với đồng minh Israel, Mỹ tìm mọi cách ngăn cản Iran mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông. Đêm 9/5/2018, Israel không kích Syria, tuy nhiên, các mục tiêu bị tấn công lại là cơ sở hạ tầng quân sự của Iran. Đây là hành động quân sự mạnh mẽ nhất của Không quân Israel tại Syria kể từ năm 1973 và xảy ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Đến tháng 10/2018, Mỹ đã thay đổi hoàn toàn chiến lược tại Syria. Theo đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa mở ra một chương mới cho vai trò của Mỹ ở Syria, với tuyên bố sẽ tiếp tục ở lại quốc gia này cho đến khi nào nội chiến kết thúc, nhằm ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng ra toàn Trung Đông.
Syria - Chiến trường lớn của thế giới
Tình hình Trung Đông năm 2018 xoay quanh cuộc nội chiến bước sang năm thứ 8 tại Syria. Chiến trường Syria khốc liệt với cả cuộc chiến chống khủng bố IS, các cuộc đụng độ giữa lực lượng của chính phủ Syria và phe đối lập, nguy cơ đụng độ lực lượng Nga-Mỹ trên thực địa và nguy hiểm hơn xung đột Iran-Israel trong lòng nội chiến Syria là một mồi lửa âm ỉ sẽ bùng lên bất cứ lúc nào thiêu cháy Trung Đông.
Chiến sự nóng bỏng chuyển từ các mặt trận Aleppo, Deir ez-Zor đã chuyển sang Đông Ghouta, vùng ngoại ô thủ đô Damascus và tỉnh miền Deraa. Trên thực địa, chiến trường Syria đã bị chia nhỏ thành nhiều “mặt trận”.
Trong khi đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch quân sự truy quét lực lượng bị cho là khủng bố đã mở ra một mặt trận mới tại miền Bắc Syria. Sau gần 3 tháng thực hiện chiến dịch “Nhành Ô liu” bất chấp chỉ trích từ Mỹ và Châu Âu, ngày 23/3/2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn Afrin do người Kurd kiểm soát, thuộc tỉnh Aleppo. Các nhà phân tích cho rằng, chiến thắng tại Afrin chỉ là phát súng mở đầu cho loạt cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm loại bỏ người Kurd tại Syria.
Tháng 4/2018, xung đột Syria lên đỉnh điểm với cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria sau cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công người dân thường. Những tháng cuối năm 2018, nội chiến Syria vẫn tiếp diễn với trận chiến tại Idlib - thành trì cuối cùng của phe đối lập. Trong một diễn biến mới vào ngày 2/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí về các bước tiếp theo để thực hiện thỏa thuận về việc thiết lập khu phi quân sự (DMZ) tại Idlib.
Cuộc chiến Syria đã thu hút nhiều nỗ lực hòa giải quốc tế. Tính đến tháng 11/2018, tiến trình hòa đàm Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua 11 vòng đàm phán tại Astana và Sochi nhưng cũng chỉ mang lại kết quả hết sức khiêm tốn. Trong khi đó, các nỗ lực tại hòa đàm Geneva do Liên Hợp Quốc khởi xướng cũng không mấy khả quan, khiến cho triển vọng về một giải pháp chính trị cho hòa bình Syria trở nên mù mịt.
Vấn đề người Kurd tại khu vực
Từ năm 2017, người Kurd tại Iraq tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc ly khai khỏi chính quyền Trung ương, trong khi người Kurd tại Syria vẫn muốn xây dựng cho mình một cơ chế tự trị. Giấc mơ của người Kurd được Israel “chắp thêm cánh”, khi tháng 5/2018, Quốc hội nước này đã thúc đẩy một dự luật ủng hộ người Kurd ở 3 nước Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ ly khai và lập quốc gia riêng ở Trung Đông. Trong khi đó, đồng minh Mỹ của Israel lại lên tiếng phản đối việc người Kurd tìm cách ly khai khỏi Iraq.
Iraq - Cuộc bầu cử đầu tiên sau khi đánh bại IS
Chưa đến một nửa số trong số hơn 24 triệu cử tri Iraq đủ tư cách đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 12/5/2018. Đây là con số thấp kỷ lục trong lịch sử Iraq. Tại Erbil, thuộc khu vực bán tự trị người Kurd, một số điểm bỏ phiếu đã xảy ra trục trặc liên quan đến hệ thống bỏ phiếu điện tử, dù tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là tương đối tốt, đạt khoảng 40-50%. Tuy nhiên, đến ngày 2/10 vừa qua, Chính phủ Iraq mới bầu ra được Tổng thống mới - chính trị gia người Kurd Barham Salih, chấm dứt nhiều tháng bế tắc và khủng hoảng chính trị tại đất nước này.
Chiến thắng trước IS
Ngày 9/12/2017, Iraq tuyên bố thắng lợi hoàn toàn trước IS. Dù vẫn còn một số điểm giao tranh nhỏ lẻ, nhưng ai cũng hiểu cuộc chiến đã thực sự kết thúc. Trong khi tại Syria, với sự trợ giúp của Không quân Nga, quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đã giải phóng hàng trăm khu vực do IS kiểm soát, trả lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước cho chính quyền hợp pháp ở Syria.
Đến cuối năm 2017, AFP dẫn lời Thượng tướng Sergei Rudskoi - Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết: “Không có một ngôi làng hay một quận, huyện nào ở Syria còn nằm dưới sự kiểm soát của IS. Lãnh thổ Syria đã được giải phóng hoàn toàn khỏi các chiến binh của tổ chức khủng bố này”.
Tuy nhiên, báo cáo Liên Hợp Quốc công bố 13/8/2018 cho rằng, IS hiện có khoảng 30.000 quân ở Iraq và Syria dù đã mất phần lớn lãnh thổ chiếm giữ được trong những năm qua. Tâm điểm mới nhất trong cuộc nội chiến Syria là trận quyết chiến tại Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại Syria, trong đó cả IS. Các nhà phân tích khu vực cũng đưa ra cảnh báo về một sự tái trỗi dậy của IS tại Iraq và Syria.
Thảm họa nhân đạo ở Yemen
Người dân Yemen đang chứng kiến cuộc nội chiến với những xung đột vũ trang đẫm máu trong bối cảnh kinh tế suy thoái trầm trọng và một thảm họa nhân đạo khủng khiếp đe dọa sinh mạng hàng triệu người dân. Cuộc nội chiến tranh giành quyền lực kéo dài từ 2015 đến nay với sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người dân vô tội và đẩy hơn 3 triệu người rơi vào cảnh ly tán.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có khoảng 20 triệu người đang cần viện trợ và có tới 13 triệu người, đặc biệt là trẻ em đang đối mặt với nạn đói. Gần 8,5 triệu người Yemen hiện đang tồn tại nhờ vào nguồn cứu trợ của Chương trình Lương thực Thế giới. Từ năm 2016, các nỗ lực đàm phán quốc tế đã được thúc đẩy với kỳ vọng mang lại một giải pháp chính trị hướng đến ổn định và hòa bình cho Yemen.
Những ngày qua, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và đại diện các bên tham chiến đang đưa ra các nỗ lực tại hòa đàm tại tại Stockholm. Các nhà phân tích khu vực không tỏ ra lạc quan về một bước đột phá có thể đạt được sau hòa đàm này trong bối cảnh nhiều nỗ lực quốc tế trước đó đã không mang lại kết quả tích cực.
Trung Đông - mảnh đất giàu giá trị lịch sử, văn hóa với những nền văn minh nhiều nghìn năm đang là chảo lửa với những xung đột kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Đây cũng là chiến trường diễn ra các cuộc chiến tranh ủy nhiệm với sự tham gia, can dự của các cường quốc thế giới, là nơi xuất phát những tham vọng đan xen, những cuộc tranh đấu vì lợi ích của các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Năm 2019, khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều bất ổn phát sinh từ những cặp mâu thuẫn trực tiếp về lợi ích của các cường quốc tại Trung Đông, từ sự gia tăng cạnh ảnh hưởng của các thế lực trong và ngoài khu vực, cùng với đó là những hồ sơ còn bỏ ngỏ từ tiến trình hòa bình Trung Đông, vấn đề Iran, Libya, mối đe dọa tiềm ẩn từ tổ chức khủng bố IS, hòa giải GCC đến các cuộc nội chiến tiếp diễn tại Syria, Yemen.. Những thách thức này sẽ khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn do còn tồn tại những bất đồng giữa các bên liên quan, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Theo VOV