Theo ông Lê Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phong Điền: Những ngày vừa qua, Trạm Thú y huyện Phong Điền thường xuyên tăng cường công tác tiêm phòng dịch cúm AH5N1 trên đàn gia cầm và thủy cầm trong toàn huyện. Đến thời điểm này, trạm thú y tổ chức tiêm phòng dịch cúm AH5N1 cho 44 đàn gia cầm, với trung bình mỗi đàn từ 500 đến 2.000 con.

Tuyên truyền vận động người dân buôn bán gia cầm nâng cao ý thức phòng, chống cúm A H5N1 - một trong những giải pháp quan trọng hiện nay của huyện Phong Điền

Qua bám cơ sở của đội ngũ cán bộ thú ý và tình hình thực tế của từng địa phương cho thấy, các xã Phong An, Phong Chương, Điền Hương, Điền Lộc, Phong Bình... có nguy cơ cao về dịch cúm gia cầm. Nguyên nhân, đây là những xã có lượng đàn gia cầm lớn. Ngoài việc tiêm phòng dịch cúm, cán bộ thú ý và ngành chức năng cũng thường xuyên bám cơ sở, về tận hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh.

Thừa Thiên Huế là tỉnh chưa xảy ra dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, với điều kiện bất lợi về thời tiết như hiện nay có thể sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm. Đặc biệt, một số gia cầm nhập nuôi mới chưa được tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch bảo hộ, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
 
Huyện Phong Điền hiện có 346.190 con gia cầm các loại; trong đó, gà 259.500 con; vịt, ngan, ngỗng 86.690 con. Hiện cả nước còn 65 ổ dịch H5N1 ở tại 22 tỉnh, thành. Số gia cầm mắc bệnh, chết là 61.611 con.  
Ông Nguyễn Hà, xã Phong An cho biết: Với tinh thần chủ động, những người chăn nuôi như gia đình tôi đều ý thức được rằng, mình phải nghiêm ngặt tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch bệnh. Tiêm phòng rồi, bà con thấy chưa yên tâm, nên khử độc khu vực nuôi bằng vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
“Những hộ chăn nuôi, đều được ngành chức năng cấp thuốc tiêu độc khử trùng và tổ chức phun định kỳ 1 tháng 4 lần ở trang trại chăn nuôi, lò mổ tập trung, khu vực chợ để ngăn ngừa dịch cúm AH5N1”, ông Lê Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Thú ý Phong Điền thông tin thêm.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Điền cũng đã tăng cường công tác phối hợp với các địa phương để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm hiệu quả. Cán bộ được tăng cường về cơ sở, cùng với cán bộ thú y, BQL các chợ và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức về bệnh cúm gia cầm và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, giám sát tình hình dịch bệnh, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ theo quy định. Ngoài ra, Phong Điền chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để vừa nâng cao ý thức của người dân, vừa thực hiện hiệu quả hoạt động phòng dịch. Chẳng hạn, đẩy mạnh tuyên truyền trên Đài Truyền thanh huyện, xã để người dân nắm rõ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch cúm AH5N1.
Bác sĩ Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền cho biết: Với vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình, đơn vị rất chủ động trong phòng, chống dịch cúm gia cầm. Từ khi có chỉ thị về việc phòng chống, dịch cúm gia cầm đến nay, đơn vị đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, nhất là giám sát các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút. Nếu phát hiện những ca bệnh nghi ngờ dịch cúm, chúng tôi sẽ nhanh chóng tổ chức điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán xác định kịp thời. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống và sẵn sàng ứng phó khi có dịch cúm xảy ra.
“Không giấu dịch, không bán chạy gia cầm bị ốm, không vứt xác gia cầm bừa bãi; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm ra vào địa bàn huyện; chuẩn bị đầy đủ vật tư hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đó là quyết tâm của các đơn vị ban, ngành, đoàn thể và 16 xã, thị trấn ở Phong Điền. Mục tiêu cao nhất là, phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định.
Bài, ảnh: Anh Phong