Từ nguồn hỗ trợ của chương trình KC 2018, Công ty TNHH Kim Sora đã đào tạo 60 học viên có tay nghề vào làm việc tại nhà máy

Hơn 25 năm gắn bó với nghề mây tre đan và gần 10 năm chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng, vật dụng trang trí từ nguyên liệu tre truyền thống, đến nay cơ sở mỹ nghệ Tre Việt, TP. Huế đã tạo hàng trăm mẫu mã mới phục vụ thị trường. Qua các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, sản phẩm của Tre Việt đã có chỗ đứng trên thị trường nên đòi hỏi phải đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã và sản xuất số lượng lớn để đáp ứng đơn hàng cho các đối tác. Đầu năm 2018, cơ sở lập đề án xin hỗ trợ vốn KC và được Sở Công thương phê duyệt. Với mức hỗ trợ 55 triệu đồng, cơ sở đầu tư thêm gần 100 triệu đồng trang bị máy cắt khắc Laser Vboss 6090.

Chủ cơ sở Tre Việt, nghệ nhân Nguyễn Đình Hưng cho rằng, trước đây sản phẩm do cơ sở sản xuất đưa ra thị trường như “đem con bỏ chợ”, các cửa hàng kinh doanh trưng bày nhiều sản phẩm của các vùng miền nên khách hàng rất khó phân biệt. Sau khi đưa máy khắc laser vào hoạt động, đồng thời tiếp nhận logo con dấu nhận diện hàng thủ công mỹ nghệ do Sở Công thương cấp quyền, gần 130 mẫu sản phẩm, như tháp chùa Thiên mụ, đèn ngủ, đèn trang trí, rổ rá, bộ đựng gia vị… được khắc con dấu để nhận diện thương hiệu và tạo cơ hội để khách hàng dễ dàng nhận biết nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mình cần mua.

Là DN chuyên sản xuất khẩu trang y tế và áo quần bảo hộ lao động xuất khẩu sang thị trường Nhật tại Đà Nẵng, tháng 6/2017 Công ty TNHH MTV Kim Sora xây dựng nhà máy tại xã Hương Hòa (Nam Đông) và tuyển dụng hàng trăm lao động vào làm việc. Để bổ sung nguồn lao động có tay nghề cho đơn vị, tháng 8/2018 Trung tâm KC & Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ DN 90 triệu đồng để mở 2 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 60 học viên. Đầu tháng 12/2108, khóa đào tạo đã hoàn thành, bổ sung cho DN một lực lượng lao động có tay nghề, kỹ thuật vào làm việc.

Phó Giám đốc công ty- ông Dương Tuệ thông tin, DN có 5 chuyền may với trên 300 lao động, song đội ngũ lao động khi đến làm việc đều không có tay nghề nên năng suất thấp, xả lỗi nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Khóa đào tạo nghề do nguồn vốn KC hỗ trợ một phần kinh phí góp phần giúp DN tạo nguồn lao động có tay nghề để nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. 

Cùng với 2 DN trên, năm 2018 có 16 CSCNNT trên địa bàn được hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nghề sản xuất sản phẩm nước ớt, xay xát gạo, chế biến tinh bột nghệ, nông sản, cà phê, thiết kế mới sản phẩm hàng lưu niệm, thiết kế khuôn mẫu tạo hình pháp lam... Đối với các đề án đào tạo nghề, lao động sau đào tạo đều được các cơ sở tuyển dụng vào làm việc nhằm đáp ứng nguồn nhân lực sản xuất, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động tại các vùng nông thôn.

Phó Giám đốc Trung tâm KC & Tư vấn phát triển công nghiệp, Nguyễn Thị Mỹ Hằng cho rằng, việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã kịp thời khuyến khích các CSCNNT, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đầu tư đổi mới thiết bị; đồng thời đưa công nghệ mới vào phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, sản xuất sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một trong những hiệu quả mà chương trình KC mang lại là huy động các DN, cơ sở quy mô vừa và nhỏ đầu tư vốn để thay đổi công nghệ cũ, lạc hậu bằng các thiết bị hiện đại để tạo sản phẩm mới và mở rộng quy mô. Năm 2018, nguồn vốn KC hỗ trợ cho các cơ sở trên 1,1 tỷ đồng; trong đó đã huy động các cơ sở đầu tư thêm gần 1,5 tỷ đồng trang bị máy móc.

Bài, ảnh: Thanh Hương