Làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện T.Ư Huế

Cô cháu gái của tôi làm việc ở một khách sạn 5 sao tại Hà Nội. Khi về Huế làm việc, cháu làm các thủ tục bàn giao, chốt sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chẳng nghe nói gì đến thẻ BHYT. Đùng một cái, cô bé bị viêm ruột, vào bệnh viện cấp cứu lúc nửa đêm. Tá hỏa tìm BHYT, mới hay, cháu đã nộp lại cho doanh nghiệp khi chấm dứt công việc ở đó. Sự đã rồi, chị tôi ngậm ngùi móc hầu bao trả viện phí cho con mà tiếc đứt ruột. Bao nhiêu năm đóng BHYT, chẳng bao giờ đi khám, bỗng họa vô đơn chí, nằm Bệnh viện T.W Huế 5 ngày, ngót nghét chi gần 10 triệu đồng.

Từ câu chuyện của cô bé, tôi mới nhớ ra cách đây không lâu cũng có một vài người quen nhờ “khiếu nại” đến cơ quan BHXH. Họ cho rằng, mình vẫn còn thẻ BHYT ở công ty cũ nhưng lại không có giá trị khi khám, chữa bệnh. Có người thắc mắc, tại sao lại phải nộp thẻ BHYT cho doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Người lao động (NLĐ) và đơn vị sử dụng lao động cùng đóng BHYT với mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng; trong đó, người sử dụng lao động đóng 3%; NLĐ đóng 1,5%. Thế nên, khi lao động nghỉ việc doanh nghiệp không còn trách nhiệm phải đóng BHYT cho lao động nữa. Hơn nữa, trách nhiệm của các doanh nghiệp là phải kịp thời lập danh sách báo giảm khi NLĐ nghỉ việc, gửi cơ quan BHXH ngay trong tháng đó (tính đến ngày cuối cùng của tháng). Trường hợp NLĐ báo giảm đang mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo, nguy hiểm có yêu cầu đóng hết giá trị thẻ còn lại để khám, chữa bệnh trong khi chờ tham gia BHYT hộ gia đình thì cơ quan BHXH sẽ thực hiện theo yêu cầu của NLĐ và đơn vị sử dụng lao động.

Chuyện này thường xuyên xảy ra ở những lao động thời vụ hay “nhảy việc”. Có người trong một năm thay đổi liên tục 2 - 3 công ty. Thế nên, không ít lao động đinh ninh đã mua thẻ BHYT một lần/năm nên không nghĩ đến chuyện phải mua thẻ BHYT hộ gia đình khi chưa tìm được việc làm mới. Chính vì thiếu hiểu biết về quy định mua thẻ BHYT dẫn đến tình trạng bệnh nhân “trốn viện” khi chi phí chữa bệnh quá cao mà không có thẻ BHYT đang xảy ra ở hầu hết các bệnh viện trong toàn tỉnh.

Để NLĐ không bị thiệt thòi về quyền lợi, doanh nghiệp nên thông báo cho họ khi thôi việc về thời hạn thẻ BHYT của họ. Nếu NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc ở doanh nghiệp khác thì phải tham gia BHYT hộ gia đình. Tất nhiên, phải mua thẻ BHYT trước 10 ngày khi thẻ BHYT cũ hết giá trị sử dụng để được gia hạn thẻ. “Nếu muốn được đảm bảo quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục theo quy định của Luật BHYT thì không nên để gián đoạn quá 3 tháng trong năm tài chính. Trường hợp lao động ký chậm so với thời gian quy định hoặc tạm ngừng từ 3 tháng, khi đăng ký tham gia lại thì thẻ BHYT có giá trị sau 30 ngày”. Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh thông tin.

Bây giờ tôi mới hiểu tâm tình của một bà mẹ hay lo xa khi năm nào chị cũng mua thẻ BHYT hộ gia đình cho con trai. Chị không yên tâm khi con hay “đứng núi này, trông núi nọ”, chỉ quan tâm đến lương thưởng hàng tháng chứ ít khi ngó ngàng đến thẻ BHYT. Hơn ai hết, chị nắm luật khá rõ, dẫu con có ở địa phương nào miễn có thẻ BHYT cũng được khám và đảm bảo quyền lợi theo luật định.

Bỏ quên thẻ BHYT ở doanh nghiệp tưởng như là chuyện nhỏ nhưng thật sự trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình khi không may ốm đau, bệnh tật. Thế nên, chính NLĐ cũng cần biết điều này để yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ hay tự mình tham gia loại hình BHYT phù hợp để phòng rủi ro, bất trắc.

Bài, ảnh: Huế Thu