Trung Quốc vẫn luôn là thị trường giàu tiềm năng

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, đến hết tháng 11/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 97,25 tỷ USD, tăng 16,07%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 37,66 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập khẩu 59,59 tỷ USD, tăng 12,7%; nhâp siêu 21,9 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định với kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây, tăng trung bình trên 20%/năm. Nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ nên khoảng cách nhập siêu của Việt Nam với đối tác thương mại lớn nhất này đã và đang được kéo giảm đáng kể, từ con số thâm hụt thương mại hơn 28 tỷ USD năm 2016 xuống còn 22,765 tỷ USD trong năm 2017.

Bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin về kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản luôn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong số 29,55 tỷ USD tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản 9 tháng, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 22,9% (tương đương khoảng 6,7 tỷ USD).

“Việc phổ biến thông tin về thị trường, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc… sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật, thương mại đồng thời giải đáp những vướng mắc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, qua đó tăng cường khả năng xuất khẩu qua đường chính ngạch những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc”, bà Thủy cho biết.

TS. Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, với những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và giàu tiềm năng của Việt Nam.

“Văn hóa tiêu dùng và nhu cầu đối với các sản phẩm nông thủy sản… của người Trung Quốc rất đa dạng. Trong số 32 tỉnh/thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể, mỗi địa phương của Trung Quốc có dân số lớn đều có thể coi là một thị trường riêng lẻ”, TS. Đào Việt Anh cho biết.

Thay đổi cách tiếp cận

Lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, TS. Đào Việt Anh khuyến nghị, doanh nghiệp cần đăng ký thương hiệu sản phẩm với cơ quan chức năng của Trung Quốc, thông qua hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh thương vụ và Văn phòng Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đặt tại Trung Quốc, cũng như các cơ quan Thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp và có uy tín tại Trung Quốc.

“Để thuận lợi khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần xác minh thực lực và uy tín của doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức internet. Đồng thời cần cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của các địa phương của Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp cần tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức và Hiệp hội trong và ngoài nước tổ chức…”, TS. Đào Việt Anh khuyến cáo.

TS. Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc thông tin về nhu cầu thị trường Trung Quốc.

Mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam có thể nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch động thực vật từ phía Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, từ việc  kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Theo đó, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức của người sản xuất để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu có chất lượng và an toàn cao hơn. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng; từng bước xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm (thị trường trong nước và nước ngoài cũng như các kênh phân phối).

Đặc biệt theo ông Hòa, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm đến việc xuất nhập khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc cần lập kế hoạch tổ chức sản xuất và chế biến sản phẩm xuất khẩu, trong đó chú trọng việc đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát cao về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chế biến.

“Trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, các doanh nghiệp cần xây dựng vùng phi dịch hại đối với gia súc. Doanh nghiệp cần thiết lập và xây dựng thương hiệu rau quả đặc thù của địa phương, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn cao như GAPs, GAHPs và GaqPs cũng như hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm và nguyên liệu cho chế biến, cùng với đó là việc đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, sản phẩm hữu cơ có chỉ dẫn địa lý”, ông Hòa cho biết./.

Theo VOV