Lực lượng bảo vệ rừng Khu Bảo tồn Sao La phát hiện tháo gỡ bẫy săn bắt động vật rừng

Nước ta là một trong những vùng giàu về ĐDSH, với hệ động thực vật hết sức phong phú, có giá trị. Tuy nhiên, thay vì phải bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quý giá này thì ở nhiều nơi, việc khai thác quá mức hay chỉ chú trọng phát triển kinh tế, hoặc tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH)... đã làm nguồn tài nguyên dần suy thoái.

Nhiều năm qua, do việc buôn bán và xuất khẩu các sản phẩm sinh vật, động, thực vật để đáp ứng nhu cầu của con người tăng lên đã làm nhiều loài động thực vật quý hiếm dần trở nên khan hiếm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Theo kết quả điều tra của các nhà sinh học, từ năm 1996 đến nay, nước ta có trên 150 loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Tê tê, rùa núi vàng, kì đà vân, khỉ đuôi dài, cây nắp ấm, trầm hương, gõ mật, thủy tùng... là những loài động, thực vật có số lượng cá thể giảm trên 50% ở nước ta trong hơn 15 năm gần đây.

Ở các đồng ruộng, hoa màu, các loài rắn, ếch nhái, chim và nhiều loài động vật nhỏ có ích khác bị giảm sút nhanh chóng, làm mất cân bằng sinh thái, gây bùng phát dịch bệnh, chuột bọ sinh sôi, phá hoại mùa màng. Bộ Tài nguyên & Môi trường và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra nguyên nhân của nguy cơ này là do ô nhiễm môi trường, phá rừng, cháy rừng và do chính con người.

Trong nhiều năm qua, nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách hợp lý liên quan đến bảo tồn ĐDSH, bảo vệ thiên nhiên; nhờ đó đã hạn chế được phần nào tốc độ suy giảm ĐDSH. Một hệ thống gồm hơn 230 khu bảo tồn và vườn quốc gia được thành lập đã đóng góp tích cực cho công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH.

Việc quản lý các vùng đệm khu bảo tồn, vườn quốc gia đã được quan tâm, nhất là việc tạo sinh kế ổn định cho người dân sinh sống trong vùng đệm, nâng cao hiểu biết cho người dân về quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, nên đã giảm được sức ép lên các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Nhiều chương trình khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, trồng rừng kinh tế... đã được lồng ghép thực hiện đã làm giảm bớt sức ép lên rừng tự nhiên. Việc giao đất giao rừng đã đem lại hiệu quả trong việc gắn trách nhiệm cũng như quyền lợi của người dân, cộng đồng sống gần rừng cùng chung tay tham gia quản lý bảo vệ.

Những năm qua, Thừa Thiên Huế đã rất thành công với việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án liên quan tại Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn Sao La và những bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng để hình thành khu bảo tồn vùng đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai, với sự tham gia của cơ quan hữu quan, chính quyền và cộng đồng địa phương.

Để bảo tồn tính ĐDSH, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, bảo tồn các loài đặc hữu, tỉnh đang triển khai đề án thành lập và xây dựng "Bảo tàng thiên nhiên khu vực Duyên hải miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế", trong đó có dự án "Rừng mưa nhiệt đới". Dự án này sẽ quy tụ khoảng 48 loài thực vật đặc hữu với hơn 38.560 cây được trồng trên diện tích quy hoạch trên 67ha. Rừng mưa nhiệt đới sẽ mô phỏng những nét đặc trưng và tiêu biểu nhất của hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới của dãy Trường Sơn. Sau khi rừng hình thành, đây sẽ là "đất lành" của nhiều loài muông thú tìm đến sinh sống và sẽ phục hồi tính cân bằng của hệ sinh thái từng vốn có.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên