Nhà văn Bửu Ý ký tặng tác phẩm cho độc giả

Xác lập chỗ đứng

Hơn 20 tham luận tại hội thảo nhận diện rõ nét sự phát triển của văn học tỉnh nhà từ sau đổi mới đến nay, tập trung các chủ đề: Nhận diện toàn cảnh nền văn học Thừa Thiên Huế từ 1986 đến nay; những vận động của các thể loại văn xuôi, thơ, phê bình lý luận và dịch thuật; chân dung các tác giả…

TS. Phan Tuấn Anh cho rằng, đến nay, Huế vẫn là một trong những trung tâm văn học nghệ thuật lớn của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế thị trường lên ngôi, văn học nghệ thuật vẫn xác lập được chỗ đứng trang trọng và có ý nghĩa xã hội, tác động trí thức mạnh mẽ. Những giá trị tinh thần ở xứ này, trong một chừng mực nào đó, vẫn được coi trọng hơn những giá trị vật chất thực dụng. Hơn nữa, Huế vẫn còn những không gian nghệ thuật và truyền thống nghệ thuật bền vững, được bảo tồn khá hiệu quả. Các nhà văn trẻ có sân chơi riêng của họ, được nói hoặc dấn thân trong nghệ thuật.

Lực lượng sáng tác văn học ở Thừa Thiên Huế sau 1986 khá phong phú và đa dạng bởi đây là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Ở bất kỳ giai đoạn nào, mảnh đất này cũng sinh ra những tài năng văn chương cho dân tộc. Những gương mặt: Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Hà, Hồng Nhu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai, Hà Khánh Linh… là những cây bút chủ lực, có nhiều đóng góp quan trọng làm nên diện mạo và thành tựu của văn học Thừa Thiên Huế.

Theo nhà thơ Đông Hà, với một vùng đất giàu truyền thống thi ca nhạc họa, văn học Thừa Thiên Huế mỗi thời đại đều đã và đang khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn cả nước. Mỗi thế hệ có một vai trò lịch sử khác nhau, thế hệ các nhà văn, nhà thơ đi trước đã hoàn thành sứ mệnh với bức tranh văn học tỉnh nhà. Thế hệ tiếp theo bây giờ vẫn nỗ lực để đi tiếp con đường đang có và khai phá thêm những cung đường mới mẻ như một khám phá kỳ thú trên hành trình của nghệ thuật.

Đi sâu phân tích hai thể loại đạt nhiều thành tựu nhất là văn xuôi và thơ ca, TS. Nguyễn Văn Học nhận định: “Những biến đổi của văn học Thừa Thiên Huế sau 1986 được thể hiện rõ nét trong sự vận động của các thể loại văn học. Ở bất kỳ thể loại nào, cũng dễ dàng nhận ra ý thức đổi mới từ tư duy thể loại, cảm hứng, khuynh hướng sáng tác đến lối viết, nghệ thuật thể hiện. Đặc biệt, luôn xuất hiện những nhà văn đóng vai trò tiên phong trong tiến trình đổi mới đã và đang dự phần vào đời sống văn học nước nhà với các tác phẩm đặc sắc mang phong cách, cá tính riêng”.

Tiếp nối

Nhiều ý kiến quan tâm đến sự tiếp nối thế hệ cầm bút và lực lượng văn học trẻ. Theo nhận định của TS. Phan Tuấn Anh, nếu như văn học trẻ Huế trước đây chủ yếu hướng sáng tác vào những vấn đề của thời cuộc, nhấn mạnh chức năng xã hội dụng hành của văn học, mà đặc biệt là vào đấu tranh cách mạng (thế hệ thứ nhất), thế hệ văn học trẻ thứ hai chú trọng vào những đổi mới nội dung, chú trọng đi sâu vào khám phá cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ, thì lực lượng viết trẻ Huế thứ ba lại hướng sự quan tâm vào những vấn đề bản thể của văn học, tư duy nghệ thuật và đổi mới về mặt thi pháp văn bản.

Nhiều cây bút trẻ ở Huế hiện nay mạnh dạn thể nghiệm sáng tạo theo những thể loại văn học hậu hiện đại như truyện phi lý, truyện huyền ảo, thơ tân hình thức. Văn học trẻ ở Huế vừa phát triển cả theo bề rộng lẫn bề sâu, trên phương diện thị trường lẫn phương diện suy tư nghệ thuật. Cả hai hướng ấy tạo nên một tương lai vững chắc, lành mạnh cho văn học Huế luôn được nối dài và phát triển.

Song hành với lực lượng sáng tác trẻ, là sự xuất hiện một lực lượng viết lý luận phê bình trẻ năng động, có tư duy nghiên cứu mới mẻ. Nhiều cây bút lý luận - phê bình trẻ của Huế dần khẳng định vị thế, tên tuổi lẫn những suy tư nghệ thuật chững chạc, có giá trị khoa học, như: Phan Tuấn Anh, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Văn Hùng…

TS. Phan Tuấn Anh chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong việc phát triển văn học trẻ ở Huế: “Trước tiên, là hoạt động thiếu hiệu quả của mô hình Câu lạc bộ Văn học trẻ. Thứ hai, Huế là nơi chắp cánh, nuôi dưỡng các tài năng, nhưng chưa hẳn có điều kiện giữ chân nhân tài. Một loạt tài năng trẻ của văn học Huế thời gian qua, nhất là trên địa hạt lý luận - phê bình đã ra đi và tỏa sáng ở các thành phố lớn khác, như Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Mạnh Tiến, Lường Tú Tuấn… là những khoảng lặng đáng tiếc”.

Theo quan điểm của nhà văn Lê Minh Phong, để góp được sức mạnh của mình trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi hệ hình nghệ thuật hiện đại Việt Nam, các nhà văn trẻ Huế không thể dừng lại ở những khai phá như đã từng mà cần đẩy sự khai phá đa dạng và vững vàng hơn. Sự khai phá cần hơn ở tư tưởng chứ không chỉ là những thể nghiệm kỹ thuật.

 Bài, ảnh: Trang Hiền