Người lao động làm việc tại Công ty Scavi Huế

Đảm bảo lương và các phúc lợi

Với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, Công ty Scavi Huế (KCN Phong Điền) có hơn 6.500 lao động. Ngoài đảm bảo đời sống cho người lao động bằng thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu, Scavi Huế là một trong những doanh nghiệp điển hình có nhiều chính sách quan tâm đến đời sống của người lao động. Đến nay, Công ty Scavi Huế đã xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa tương đối hoàn chỉnh dành cho người lao động, gồm: Trường mầm non Scavi dành cho con em của người lao động với quy mô ở giai đoạn 1 gồm 200 cháu, khu chung cư miễn phí cho 400 công nhân. Công ty còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao với các CLB bóng đá, võ thuật, âm nhạc, khiêu vũ…

Những chính sách thiết thực ấy không thể thiếu vai trò của công đoàn trong việc đề xuất, tham mưu với chủ doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Scavi Huế cho hay: “Ở Scavi Huế, tổ chức công đoàn phối hợp nhịp nhàng với chủ sử dụng lao động để nâng cao các chế độ phúc lợi, đời sống tinh thần cho người lao động. Hàng năm, công đoàn đều tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, như: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền. Các CLB khiêu vũ, dạy đàn, dạy hát, dạy võ vovinam… đều hoạt động thường xuyên dưới sự hỗ trợ của công đoàn và sự tạo điều kiện của người sử dụng lao động”.

Trường mầm non do Công ty Scavi Huế xây dựng để hỗ trợ người lao động

Ở Công ty TNHH HBI Huế (KCN Phú Bài, Hương Thủy), mức lương trung bình của người lao động là 5,2 triệu đồng/tháng. Để nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, công đoàn cơ sở của công ty đề xuất với chủ doanh nghiệp các chế độ, công trình phúc lợi cho công nhân. “Công đoàn luôn lắng nghe nguyện vọng của người lao động để tham mưu, đề xuất với chủ doanh nghiệp, nhất là các chế độ chăm sóc sức khỏe công nhân…”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH HBI Huế cho biết.

Nâng cao năng lực

Theo ông Lê Văn Tùng, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp ở đây đều thực hiện nghiêm túc mức lương tối thiểu vùng. Mức lương của người lao động hầu hết đều trên mức lương tối thiểu, nhiều doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động theo mức thực nhận khá cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều có các chế độ phúc lợi khác cho người lao động, như nâng cao chất lượng bữa ăn, hỗ trợ tiền nhà trẻ, tiền xăng xe…

Ông Tùng nhấn mạnh: “Tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi của người lao động đều có sự tham gia của công đoàn cơ sở, thể hiện qua bảng thỏa ước lao động tập thể. Các doanh nghiệp khi đăng ký thang bảng lương có quy chế phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh nên đều có công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tham gia giám sát, thẩm định việc thực hiện của doanh nghiệp”.

Khi đề án cải cách tiền lương được áp dụng theo hướng giảm sự can thiệp của Nhà nước, công đoàn càng phải phát huy vai trò trong việc đàm phán, thương lượng với chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, không để người lao động bị chèn ép lương. Ông Tùng cho rằng: “Đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để công đoàn chứng tỏ vai trò, nâng tầm vị thế. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cần trang bị, nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn cơ sở những phẩm chất, kiến thức, nhất là các chính sách pháp luật để làm việc với chủ doanh nghiệp. Công đoàn cấp trên cũng phải tham gia nhiều hơn trong việc thương lượng, đàm phán trực tiếp với chủ doanh nghiệp”.

Bài, ảnh: Minh Hiền