Ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Hiện nay, có khá nhiều công trình sử dụng trong thời gian khá lâu, có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Trách nhiệm của chủ quản lý sử dụng là phải tiến hành kiểm định chất lượng và có các biện pháp thích ứng để đảm vảo an toàn cho con người và công trình.

Tuy nhiên, rất tiếc hiện nay vẫn có một số chủ quản lý, sử dụng chưa nhận thức đúng vấn đề này.

Công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình dân sinh do đơn vị nào quản lý, thưa ông?

Theo quy định hiện nay, quản lý nhà nước về chất lượng đối với các công trình này thuộc trách nhiệm của UBND huyện, thị xã, thành phố.

Năm 2016, sau vụ sập nhà Pháp tại Hà Nội, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị. Ông có thể thông tin cụ thể hơn?

Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/02/2016. Theo đó, các địa phương phải tiến hành rà soát, đánh giá mức độ an toàn của các công trình hết niên hạn sử dụng, các công trình xuống cấp để có giải pháp phù hợp.

Giai đoạn thứ nhất là khảo sát, đánh giá sơ bộ; giai đoạn thứ hai là khảo sát và đánh giá chi tiết.

Ở giai đoạn thứ nhất, việc khảo sát và đánh giá sơ bộ dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của công trình. Kết quả sẽ phân ra mức độ về khả năng chịu lực của công trình thành 3 mức: vẫn sử dụng bình thường; vẫn đáp ứng được yêu cầu sử dụng, tuy nhiên phải tiến hành kiểm định, đánh giá chi tiết; công trình phải đánh giá, khảo sát chi tiết nhưng bên cạnh đó phải có những biện pháp kỹ thuật để xử lý cho công trình có những dấu hiệu nguy hiểm.

Trong giai đoạn thứ hai, qua khảo sát đánh giá chi tiết sẽ đưa ra kết quả đánh giá chia làm 4 cấp độ. Đầu tiên là cấp độ A – tức là công trình vẫn đáp ứng được các yêu cầu sử dụng bình thường. Cấp độ B – công trình vẫn sử dụng được, tuy nhiên có những cấu kiện cục bộ xuất hiện dấu hiệu nguy hiểm. Cấp độ C là các bộ phận của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm và công trình cần phải có những giải pháp xử lý gia cường. Cuối cùng là cấp độ D – công trình nhà nguy hiểm cần phải xử lý ngay, phải di dời, phải dỡ bỏ hoặc chống đỡ.

Hiện nay, các địa phương, ban ngành đang tiến hành công tác kiểm định các công trình thuộc diện nêu trên.

Các bước tiếp theo sau rà soát, đánh giá là gì?

Theo tổng hợp, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 150 công trình có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng. Nhiều công trình có thời gian sử dụng đã lâu, một số bộ phận công trình đã hư hỏng. Cá biệt có một số công trình được đánh giá ban đầu là xuống cấp khá nghiêm trọng, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng, mất an toàn cho người sử dụng.

Nguyên nhân được xác định do các công trình này trải qua quá trình sử dụng lâu năm, đan xen nhiều hình thức sở hữu, nhiều người sử dụng, thiếu sự quản lý chung. Mặt khác, do thiếu nguồn vốn và chưa có sự quan tâm đúng mức dành cho công tác bảo trì, sửa chữa nên các công trình này ngày càng có dấu hiệu xuống cấp.

Sau khi có kết quả kiểm định, đối với các công trình nguy hiểm cấp D thì cần khẩn trương di dời, tháo dỡ. Đối với các công trình nguy hiểm cấp B, C, cần có giải pháp gia cố, sửa chữa đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục sử dụng.    

Nguyên nhân nào dẫn đến sự xuống cấp nhanh của công trình nói chung và nhà ở, nhà tập thể nói riêng, thưa ông?

Như đã đề cập, nguyên nhân chủ yếu là các công trình này chưa được sử dụng, bảo trì theo quy định.

Có thể nêu một số nguyên nhân thường gặp là: để nước mặt, nước thải sinh hoạt ngấm xuống nền móng. Sử dụng nhà sai mục đích thiết kế ban đầu, xây dựng cơi nới làm tăng tải trọng và độ lún cho công trình. Cơi nới, sửa chữa thay đổi tuỳ tiện kết cấu trong nhà làm tăng tải trọng, dẫn đến kết cấu bị quá tải. Các công trình chịu tác dụng ăn mòn của môi trường, hoá chất không được bảo dư­ỡng sửa chữa kịp thời và thường xuyên...

Ông có thể cho biết những dấu hiệu cơ bản cảnh báo công trình đang xuống cấp có thể gây đổ sụp?

Dấu hiệu thì có nhiều và đa dạng. Có thể thường nhận thấy là nứt tường, trụ, dầm; lún móng... Những vấn đề này chỉ phát hiện khi thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Đối với công trình dân sinh, cần thực hiện giải pháp nào nhằm bảo trì nhà ở sau xây dựng?

Người dân cần chủ động trong công tác bảo trì, bão dưỡng nhà theo định kỳ, hoặc khi có dấu hiệu hư hỏng. Tốt nhất trong quá trình thiết kế, xây dựng nên tính toán kỹ về các yếu tố ảnh hưởng liên quan nhằm hạn chế tiêu cực đến chất lượng công trình, tuân thủ các quy định liên quan. Khi công trình đã xuống cấp cần có giải pháp xử lý, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Về phía các cơ quan nhà nước, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong công tác này. An toàn ngôi nhà là vấn đề quan trọng và cần được quan tâm đúng mức.

Người dân thường có tư tưởng chủ quan, nên rất dễ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản khi có sự cố sập nhà do nhà xuống cấp, quá niên hạn sử dụng. Ông có lời khuyên nào về vấn đề này?

Công trình cũng như cơ thể con người, cần thực hiện theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng bệnh ở đây chính là thực hiện công tác bảo trì công trình đúng quy định, tránh đợi đến lúc sự cố xảy ra mới xử lý.

Hoàng Loan (thực hiện)