Bác sĩ Châu Văn Thức thăm khám, điều trị cho người nhiễm HIV
Duyên nghiệp
Tôi quen bác sĩ Thức từ lâu. Anh là người chân tình, giản dị, chẳng thích nơi “lao xao” ngoại trừ công việc. Thế mà mỗi khi hỏi về chuyện phòng chống HIV, anh lắc đầu. Anh bảo, mình không muốn viết lách vì công việc liên quan người nhiễm “H” nhạy cảm lắm. Rồi một ngày cuối đông mới đây, anh nhận lời tôi để ngồi “ôn cố” những ngày tháng đã đi qua.
Anh Thức đỗ Đại học Y khoa Huế năm 1983. Khi ra trường, anh là một trong số hiếm sinh viên của trường nhận tấm “bằng đỏ”- bác sĩ đa khoa. Trước anh một khóa là ông Nguyễn Dung, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhận “bằng đỏ” ở trường này, niềm tự hào mà không ít sinh viên y khoa mơ ước. Thế nhưng, khi các đồng môn có “bến đỗ” khoa này, phòng kia ở thành thị, anh Thức khăn gói về làm việc ở Trạm Y tế xã Vinh Hiền (Phú Lộc), một vùng quê ven biển nghèo. Thời điểm ấy, Vinh Hiền không có gì ngoài “đặc sản” mùa hè là dịch bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy. Mới ra trường, anh “ôm sô” từ công tác dự phòng chống dịch, đỡ đẻ, khám chữa bệnh... Song nhờ gian khó này, chàng trai ở phố thị trưởng thành hơn.
Sau nhiều năm lăn lộn ở vùng khó, đến thời điểm con cái cần anh làm chỗ dựa tinh thần, bác sĩ Thức xin trở lại thành phố. Lên phố cũng là bài toán nan giải cho anh vì hầu như đơn vị, bệnh viện nào cũng kín chỗ. May mắn lúc này Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, nay là Khoa Phòng chống HIV/AIDS thuộc CDC tỉnh còn thiếu hai suất. Thời điểm đó đơn vị này vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ký thành lập. Thiếu nhân lực vì không bác sĩ nào dám đến nơi liên quan đến bệnh HIV/AIDS và sự kỳ thị của cộng đồng về căn bệnh này quá lớn. Cầm quyết định về công tác TTPC HIV/AIDS anh phân vân. Vợ anh cũng lo lắng vì sợ chồng đối diện nhiều nguy cơ, sự đau đớn, chết chóc của những người dính đến HIV/AIDS.
Để đảm trách công việc cấp trên đề ra, anh phải “dợt” một khóa đào tạo, trao đổi chuyên môn, tìm hiểu căn bệnh HIV/AIDS với các đồng nghiệp ở Khoa Lây nhiễm, BV Trung ương Huế. Thời gian gắn bó với khoa này không dài nhưng anh không chỉ học chuyên môn mà còn thấy tình người của những y, bác sĩ ngày, đêm trăn trở để kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Đến nay, anh đã tròn chục năm phụ trách chính và một mình lo việc khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại TTPC HIV/AIDS tỉnh. Từ kinh nghiệm bản thân anh, để người nhiễm HIV đến với cơ sở y tế, các y, bác sĩ phải xem họ là bạn, luôn động viên, chia sẻ. Những trường hợp nhiễm HIV ban đầu họ rất sốc, buồn bã, sa sút tinh thần không hợp tác cùng bác sĩ trong việc điều trị... “Bác sĩ tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV thành công phải hiểu tâm lý, giúp họ vượt qua mọi kỳ thị, nỗi ám ảnh, sợ hãi”- bác sĩ Thức nói.
Trăn trở từng phận đời
Hiện, bác sĩ Thức vẫn “độc chiến” ở Phòng khám chuyên khoa và Điều trị nghiện chất ở CDC tỉnh, bình quân đón 5-10 lượt bệnh nhân/ngày. Anh cho biết, phần lớn người nhiễm HIV có cuộc sống khó khăn. Không ít trong số họ phải bươn chải tìm việc các tỉnh, thành khác để kiếm sống. Do cuộc sống mưu sinh đôi khi ảnh hưởng đến thời gian đi tái khám của bệnh nhân, nhưng anh thông cảm và chỉ khuyên họ nên tái khám đúng thời gian để đảm bảo hiệu quả điều trị. Trước đây, có bệnh nhân ở huyện Phú Lộc phải đi xe đạp lên tận phòng khám để nhận thuốc vì không có tiền đi xe đò. Một trường hợp ở tận vùng biển, huyện Phong Điền đủ tiền đi xe đò vào nhưng không đủ tiền về nên anh và các đồng nghiệp đã giúp đỡ. Những việc làm dù nhỏ thôi nhưng hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV do khoa quản lý đều nằm lòng thuộc họ tên bác sĩ Châu Văn Thức.
Tình cờ trong buổi sinh hoạt nhóm đồng đẳng viên PC HIV ở khoa mới đây, tôi biết về N.V.A. ở Phú Lộc nhiễm HIV bây giờ xem bác sĩ Thức như ân nhân. A. là con nhà nghèo, vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn từ năm 2009. Sau đó phải lòng một chàng miền Tây rồi kết hôn. Những tưởng cuộc sống của A. hạnh phúc bên người chồng. Không ngờ hai năm sau chồng mất, A. phát hiện bản thân nhiễm HIV. Sốc nặng, A. tuyệt vọng tìm về quê sống cảnh u sầu, tiều tụy. Khi người thân đưa đến Phòng Tư vấn điều trị, TTPC HIV/AIDS tỉnh, A. gầy sạm, nói những lời không đầu, không cuối. Chia sẻ hoàn cảnh, bác sĩ Thức xem A. như người thân, tiếp cận tư vấn sàng lọc, tạo tâm lý ổn định giúp A. điều trị thuốc kháng vi rút ARV… Bây giờ, đúng hẹn, A. đến khám, theo dõi sức khỏe định kỳ tại Phòng Điều trị. Hạnh phúc hơn A. đã đi thêm bước nữa, sinh một bé trai khỏe mạnh. Những trường hợp như A. hay nghịch cảnh hơn A. là không ít và họ đều được bác sĩ Thức chia sẻ, xem như người thân. Anh không chỉ chữa bệnh về thể chất mà còn trị cả bệnh tâm lý cho người nhiễm HIV.
Bác sĩ Thân Mỹ Dung, một đồng nghiệp hoạt động nhiều năm ở TTPC HIV/AIDS tỉnh vừa nghỉ hưu chia sẻ: “Bác sĩ Thức là một người làm việc trách nhiệm, có tâm, tận tụy với người bệnh. Hầu hết bệnh nhân đến với anh đều cảm nhận sự nhẹ nhàng vui vẻ, có niềm tin vượt qua bệnh tật”.
“Tôi chỉ mong tôi như mọi ngày và những người có HIV trên địa bàn ngày càng ít dần. Tôi cũng muốn nhắn nhủ với người bệnh: Nhiễm HIV vẫn chưa phải là chấm hết... Nếu bệnh nhân hợp tác, tuân thủ điều trị thì cuộc sống sẽ kéo dài 20- 30 năm và vẫn sinh con cái hoàn toàn khỏe mạnh,” bác sĩ Thức trải lòng.
Đến nay, trên địa bàn có gần 320 trường hợp nhiễm HIV; trong đó, gần 100% bệnh nhân được bác sĩ Thức tư vấn, điều trị thuốc ARV đều đặn nên phần lớn sức khỏe ổn định. Có nhiều trường hợp đã lập gia đình, sinh con bình thường, trở thành những đồng đẳng viên tích cực trong hoạt động PC HIV/AIDS ở địa phương.
Minh Văn