Billiards - môn có khả năng giành thành tích cao ở các giải đấu chuyên nghiệp. Ảnh: Quốc Vinh

Công đầu

ĐH TDTT toàn quốc 2014, thể thao Thừa Thiên Huế giành được 17 huy chương các loại, trong đó có 2 HCV của môn điền kinh và karatedo. Tại ĐH 2018, tổng số huy chương thể thao Huế đem về là 20, với 3 HCV thuộc về điền kinh, karatedo và vật.

Tại các giải trẻ, kể cả đấu trường khu vực, quốc tế, dù quy mô, số lượng VĐV tham dự đông nhưng về độ khốc liệt trong cạnh tranh HCV thì không bằng giải vô địch quốc gia. Điều này càng thể hiện rõ tại ĐHTT toàn quốc, khi thể thao Thừa Thiên Huế có 9 nội dung vào chung kết – nghĩa là có 9 cơ hội, nhưng chỉ đem về 3 HCV.

Trong thi đấu, ngoài năng lực, để giành được vị thứ cao nhất còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó tâm lý VĐV rất quan trọng. “Theo dự tính, thể thao Thừa Thiên Huế phải giành 4 HCV, khi ở một trận chung kết (xin không nêu cụ thể), VĐV Huế đã dẫn trước đối thủ và thời gian còn lại chưa đầy một phút. Nếu bình tĩnh tuân theo chiến thuật của HLV thì Huế đã có HCV thứ 4. Tuy nhiên, do tâm lý có phần “hăng” nên VĐV bị cuốn vào lối chơi của đối phương, cuối cùng để mất HCV trong gang tấc”, ông Hồ Đắc Quang – Hiệu trưởng Trường trung cấp TDTT tỉnh tiếc nuối.

Điều đáng nói, tổng số 20 huy chương của đoàn thể thao Thừa Thiên Huế tại ĐH lần này toàn bộ do công của VĐV Trường trung cấp TDTT tỉnh. Có được thành tích trên, theo ông Hồ Đắc Quang là nhờ vào hai yếu tố quan trọng.

Bên cạnh những môn trọng điểm có tính truyền thống, như karate, điền kinh… thì việc đầu tư các môn trọng điểm mới khác, như: đá cầu, bắn cung, vật, judo, taekwondo bước đầu là đúng hướng, khi những môn này đều có huy chương.

Trong cuộc họp với Sở Văn hóa và Thể thao hồi tháng 9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đặt câu hỏi với đại ý có nên chuyển địa chỉ tập luyện thể thao tại 87 Nguyễn Huệ lại cho ngành thể thao bởi địa điểm này chưa phát huy đúng công năng, trong khi ngành thể thao đang thiếu nơi tập luyện cho VĐV… “Nếu không quan tâm sẽ không có những động thái này. Đó chính là nguồn động viên rất lớn cho VĐV và những người làm thể thao”, ông Quang chia sẻ.

Một pha ghi điểm đẹp mắt của Hồ Đình Thuận (giáp xanh) tại bán kết Karatedo ĐHTT toàn quốc 2018. Ảnh: Lê Cảnh Thắng

Góc nhìn thẳng

Dù hoàn thành chỉ tiêu tại ĐHTT toàn quốc 2018, nhưng đằng sau những tấm huy chương là nhiều trăn trở của ngành thể thao tỉnh nhà. Ngoài việc cầu lông, cờ vua trắng tay thì câu chuyện của bộ môn điền kinh đã và đang dấy lên nhiều lo lắng.

“Có thể được an ủi đôi chút khi các chuyên gia, HLV bạn nhận định dàn VĐV trẻ cầu lông, cờ vua sẽ phát huy được năng lực trong thời gian tới, nhưng điều này chưa thể giúp chúng tôi yên tâm trong chặng đường phía trước. Bởi một điều chắc chắn, “nước lên thì thuyền lên” trong khi dù rất quan tâm nhưng nội lực kinh tế có hạn, rồi những tác động từ phía gia đình, đầu ra khi giải nghệ… ảnh hưởng rất lớn đến việc VĐV trẻ có quyết tâm gắn bó với nghiệp thể thao hay không”, ông Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ.

Nhưng có lẽ, câu chuyện của cầu lông, cờ vua chưa cấp bách bằng điền kinh, dù rằng đây là bộ môn mang tấm HCV đầu tiên về cho thể thao Thừa Thiên Huế. Nguyên do là Yến Hoa sẽ giải nghệ trước kỳ ĐH tiếp theo, trong khi, lâu nay, điền kinh Huế gần như phụ thuộc vào thành tích mỗi VĐV này ở những đấu trường đẳng cấp.

Lứa kế cận Yến Hoa hẳn nhiên vẫn có, nhưng sau đợt “thử lửa” tại sân chơi thể thao lớn nhất Việt Nam, chuyện có thể lấp chỗ trống mà Yến Hoa để lại xem chừng rất khó. “Sau ĐHTT toàn quốc 2018, bộ môn điền kinh sẽ tính toán nhiều phương án, trong đó chú trọng tuyển chọn nhằm chuẩn bị cho những bước chạy dài hơi, nhưng điều này cần một thời gian dài, trong khi lứa kế cận Yến Hoa vẫn chưa thật sự khiến chúng tôi yên tâm”, ông Phan Tiến Dũng nói.

Ngoài điền kinh, cờ vua, cầu lông, những môn bơi, lặn, bóng đá (không thuộc Trường trung cấp TDTT) hay võ cổ truyền, vovinam, billiards (nhóm môn xã hội hóa) cũng trắng tay tại ĐH cũng là điều cần suy nghĩ.

Tại những giải đấu khác, võ cổ truyền, vovinam, billiards của Huế đều có tiếng nói nhất định. Tuy nhiên, điều này lại chưa thể phát huy tại sân chơi toàn quốc lần này. Tất nhiên, đặc thù là môn xã hội hóa, công tác đào tạo, huấn luyện, điều kiện tập luyện… có những hạn chế nhất định so với các bộ môn nằm trong “quy hoạch”. Song, điều đó buộc ngành thể thao cần định hướng lại, đâu là môn phát triển phong trào, đâu là môn thi đấu đỉnh cao để có hướng đầu tư, hỗ trợ hợp lý và hiệu quả.

HÀN ĐĂNG