Biến đổi khí hậu nằm trong thực đơn. Ảnh: The Asset ESG Forum

Tại các quốc gia có thu nhập thấp, hơn 40% thất thoát thực phẩm xảy ra ở giai đoạn đầu trong chuỗi giá trị lương thực do sự thiếu hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong quá trình thu hoạch, sau thu hoạch và chế biến. Ngược lại, tại những quốc gia có thu nhập trung bình đến cao, 40% lương thực bị lãng phí được ghi nhận trong bán lẻ và tiêu dùng, mà chủ yếu là do tiêu chuẩn lựa chọn nghiêm ngặt... Tại các nước đang phát triển, khoảng 821 triệu người đang bị đói, nhưng cùng lúc, số lương thực lãng phí của những nước giàu có đủ để nuôi sống 750 triệu người/năm.

Từ một khía cạnh khác, một khi chúng ta nghĩ đến chiến thắng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, phần lớn mọi người sẽ tập trung vào việc cắt giảm tối đa khí thải nhà kính từ phương tiện giao thông như xe ôtô, xe tải và các thiết bị máy móc khác chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, khi các yếu tố kể trên chiếm một phần trong những mối quan tâm chính của con người, một thủ phạm khác cần nhận được nhiều lưu ý hơn so với những gì đang diễn ra trong hiện tại là thực phẩm.

Theo thống kê của Viện tài nguyên thế giới (WRI), giảm 25% số lượng lương thực thất thoát và lãng phí trên toàn cầu sẽ hỗ trợ giảm khoảng cách nhu cầu lương thực giữa năm 2010 và 2050 xuống còn 12%, giảm 27% khoảng cách nhu cầu sử dụng đất để sản xuất lương thực trong năm 2050 so với năm 2010 và giảm 15% lượng khí GHG trong nông nghiệp để đạt được mục tiêu của năm 2050.

Hành động khí hậu dân chủ và hiệu quả

Có thể nói thực phẩm và biến đổi khí hậu có mối liên quan mật thiết. Dựa trên định lượng tổng mức giảm CO2 trong khí quyển, trong số tất cả các biện pháp đưa ra, giảm thiểu thất thoát lương thực và lãng phí thực phẩm là hành động khí hậu hiệu quả thứ ba. Hứa hẹn hơn, biện pháp này là một giải pháp dân chủ nhất, khi hầu hết tất cả mọi người đều là nhân tố gây nên tình trạng tổn thất, lãng phí thực phẩm trong chuỗi cung ứng.

Giải thích thêm về vấn đề này, sáng kiến Project Drawdown chỉ ra rằng, sản xuất những loại thực phẩm không tiêu thụ làm lãng phí một loạt các tài nguyên như hạt giống, nước, năng lượng, đất đai, phân bón, giờ lao động và vốn tài chính. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu xem thất thoát lương thực và lãng phí thực phẩm là một quốc gia, đất nước này sẽ chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc về tác động đối với sự nóng lên toàn cầu.

Như vậy, cắt giảm lượng thực phẩm bị lãng phí là ngăn chặn hơn 70 tỷ tấn khí thải nhà kính xả vào môi trường. Biện pháp này đại diện cho những đóng góp lớn nhất mà cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng có thể hành động để đảo ngược tình trạng ấm lên toàn cầu, đồng thời nuôi sống nhiều người hơn, tăng lợi ích kinh tế và bảo tồn các hệ sinh thái bị đe dọa.

Đối với từng cá nhân, người tiêu dùng cần đưa ra những lựa chọn cẩn thận, có lương tâm với những gì mình sắp mua, sắp tiêu thụ. Ngoài nhược điểm là hình dạng xấu xí, không có bề ngoài hoàn hảo, có rất nhiều loại thực phẩm như trái cây, rau củ vẫn hoàn toàn ngon miệng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh mua sắm, bảo quản, sử dụng và chia sẻ thực phẩm cũng là hành động tạo nên thay đổi tích cực cho toàn cầu.

Lãng phí thực phẩm chiếm 8% lượng khí thải toàn cầu. Ảnh: Triple Pundit

Cứu lấy dinh dưỡng, cứu lấy thế giới

Theo nội dung bản tóm tắt của Hội đồng toàn cầu về hệ thống nông nghiệp và thực phẩm dinh dưỡng (GLOPAN), trong khi có đến khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm được sản xuất không thể đến được với đĩa ăn của mọi người, 3 tỷ người trên toàn cầu đang chịu cảnh đói khát. Vấn đề là khẩu phần của nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trái cây, rau, các chế phẩm từ sữa, thịt cá và hải sản đang không cân đối và bị lãng phí. Nói một cách rõ ràng hơn, với khoảng 22% lượng vitamin A trung bình toàn cầu có trong các loại rau, củ, quả có thể ăn được, con người chỉ tiêu thụ ít hơn 11% so với mức tiêu chuẩn. Tương tự, vi lượng sắt cần thiết cũng giảm từ gần 7 lần xuống còn 2 lần so với số lượng cần thiết nạp vào cơ thể.

Không chỉ gây lãng phí, hủy hoại môi trường, sự thiếu hụt dưỡng chất khiến cơ thể suy kiệt nhanh chóng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước nhà. Ví dụ đưa ra là chi phí kinh tế tích lũy trung bình tổng hợp từ ảnh hưởng của suy giảm nhận thức, giảm năng suất lao động do con người thiếu sắt chiếm khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thu nhập thấp.

May mắn thay, có một giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là ăn nhiều trái cây và rau củ. Giảm tiêu thụ thịt đỏ xuống 2 lần/tuần sẽ hỗ trợ giảm ¾ diện tích đất nông nghiệp toàn cầu – một khu vực rộng bằng Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Về ý nghĩa dinh dưỡng, hiện chăn nuôi chiếm 80% diện tích đất nông nghiệp của hành tinh, song thịt chỉ tạo ra một lượng calo tương ứng 18%. Nghiêm trọng hơn, chăn nuôi là mối đe dọa đối với nguồn nước. Điều này được thể hiện rõ nhất khi nếu mọi người không cắt giảm lượng tiêu thụ sản phẩm thịt động vật xuống còn 5% lượng calo cần thiết mỗi ngày, nguồn nước ngọt có thể bị cạn kiệt vào năm 2050, Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI) cho hay.

Dự án SU-Eitable Life, một sáng kiến ​​của Ủy ban châu Âu (EC) và đơn vị BCFN chứng minh rằng thay đổi chế độ ăn uống sẽ thay đổi hệ thống sinh thái một cách đáng kể. Bằng cách ăn ít thịt và giảm lãng phí thực phẩm, người tiêu dùng châu Âu có thể giảm mức tiêu thụ nước xuống còn 2 triệu m3 và giảm 5.300 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.

HẠNH NHI (LƯỢC DỊCH TỪ THE ASEAN POST)