“Hình hài” cao tốc La Sơn - Túy Loan

Nỗ lực của địa phương

Từ ngã ba nối DA đường La Sơn-Nam Đông thuộc huyện Nam Đông đã thi công hoàn thiện, các hạng mục đã cơ bản hoàn thành, nền đường trải thảm phẳng lì xuyên qua rừng thông, rừng kinh tế, như con tàu vượt núi.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông đánh giá, là DA trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế nói chung, Nam Đông nói riêng, cũng như tuyến La Sơn- Nam Đông, tuyến La Sơn - Túy Loan, ngay từ khi bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), ổn định đời sống người dân trong vùng ảnh hưởng của DA, được chính quyền quyết liệt triển khai, xem như nhiệm vụ hàng đầu phải hoàn thành của địa phương. Dù DA đi qua địa bàn với 36km, có những xáo trộn nhất định bước đầu, nhưng cơ bản với sự nỗ lực của các cấp ngành, đến nay công tác GPMB đã xong.

Ông Hồ Tăng Phúc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Đông thông tin: DA đường cao tốc La Sơn-Túy Loan đi qua địa bàn ảnh hưởng 562 hộ dân, với hơn 100 ha đất các loại bị ảnh hưởng thu hồi. Trong đó, có 41 hộ phải tái định cư thuộc các địa bàn xã Hương Lộc, Hương Phú và thị trấn Khe Tre đã được đền bù nhà ở và bố trí đất nền tái định cư. Đến nay, số diện tích đất bị thu hồi đã được chủ đầu tư DA đền bù và các hộ tái định cư đã ổn định cuộc sống.

“Trong quá trình triển khai GPMB có những lúc gặp khó khăn, không đạt được các thỏa thuận với người dân, chính quyền địa phương phải vào cuộc trên tinh thần tuyên truyền vận động, đảm bảo quyền lợi chính đáng và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân vùng ảnh hưởng. Một số vị trí cục bộ về công tác GPMB bàn giao chậm là do phải xử lý điều chỉnh kỹ thuật của chủ đầu tư DA. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ mặt bằng sạch đã được giao cho nhà đầu tư”, ông Phúc khẳng định.

Theo ông Phúc, hiện tại chủ đầu tư DA đang tiến hành làm các đường dân sinh, hầm chui ngang phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn các xã, trong đó có một bộ phận lớn trồng rừng kinh tế.

Thông xe kỹ thuật cuối năm 2018

Theo Sở KH&ĐT, DA đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đến thời điểm hiện tại đã đền bù GPMB gần 100% khối lượng, thi công được khoảng 96% khối lượng, dự kiến thông xe kỹ thuật cuối năm 2018 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2019.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh thông tin, đến cuối năm 2018, tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan đã hoàn thành trên 96% khối lượng xây lắp và đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục gói thầu cuối, nhằm đảm bảo mục tiêu thông xe, góp phần kết nối giao thông toàn tuyến nhánh Đông đường Hồ Chí Minh, kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Theo ông Quý, cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua địa bàn Thừa Thiên Huế đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành 34/36km rải thảm nhựa bê tông mịn C12.5; cầu trên tuyến đã xong các hạng mục và tiến hành rải thảm nhựa 35/36 cái (còn lại cầu Lồ Ô chưa thảm); các hạng mục còn lại như phần kè, mái taluy… đã hoàn thành toàn bộ khối lượng. Hiện tại, trên tuyến chủ đầu tư đang tiến hành lắp đặt và hoàn thiện các thiết bị đảm bảo an toàn giao thông như biển báo, sơn kẻ vạch đường, hộ lan can…

Ông Quý cho rằng, trong quá trình thi công, các nhà thầu cũng gặp không ít khó khăn do khối lượng đào đắp lớn, thời tiết ở Thừa Thiên Huế khắc nghiệt, mưa nhiều và các hạng mục phải đi qua nhiều vùng có địa chất phức tạp. “DA đi qua địa hình núi, phải đào sâu đắp cao địa chất phức tạp, đất yếu và nước ngầm dẫn tới phải xử lý kỹ thuật nhiều; đường mở mới nên hệ thống đường công vụ phục vụ thi công chỉ làm tạm, do đó các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và tổ chức thi công”, ông Quý chia sẻ.

Cụ thể, một số vị trí cục bộ như đồi Km25, đoạn suối cầu Mụ Em3 gói thầu do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh đảm nhận thi công, có địa chất phức tạp, sạt trượt nhiều lần phải thay đổi phương án kỹ thuật thi công và tìm giải pháp thiết kế mới để đảm bảo tính lâu dài cho công trình; một số vị trí trên tuyến như Km31, Km32… cũng có địa chất phức tạp với nhiều đá cấp 4 phong hóa có cường độ nứt nẻ mạnh khi gặp mưa gây sụt lở, dẫn đến phải xử lý kỹ thuật bằng giải pháp ngã mái và bền vững bề mặt mái ta luy.

“Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà thầu đã đáp ứng các mục tiêu tiến độ, khối lượng triển khai, như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải... đã góp phần lớn đến việc đảm bảo tiến độ, sớm đưa DA vào thông xe kỹ thuật và khai thác trong thời gian đến”, ông Quý đánh giá.

Theo Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh, hiện tại đường La Sơn - Túy Loan (Km0-Km66) với quy mô là cao tốc 4 làn nhưng do nguồn vốn chưa đầy đủ nên đầu tư phân kỳ trước mắt phần móng 4 làn xe, còn phần mặt 2 làn xe, do vậy việc khai thác sau này sẽ không phát huy hết hiệu quả của DA và tiềm ẩn nguy cơ về an toàn trong quá trình khai thác vận hành tuyến đường. Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội để xin tiếp tục bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng để hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe.

DA đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn- Túy Loan với chiều dài toàn tuyến 77,5 km đi qua 2 tỉnh, thành Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng (trong đó Thừa thiên Huế 36km). Điểm đầu tại Km0+00 trùng với điểm cuối đường DA Cam Lộ - La Sơn và giao với đường La Sơn- Nam Đông tại Km4+600 (tỉnh Thừa Thiên Huế); điểm cuối tại Km77+472 trùng với điểm đầu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (TP. Đà Nẵng). DA có tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng- chuyển giao do Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan làm chủ đầu tư.

KHÁNH SƠN