10 thảm họa liên quan đến khí hậu tồi tệ nhất trong năm 2018 khiến thế giới thiệt hại ít nhất 84,8 tỷ USD. Ảnh: Devdiscourse

Tổ chức cứu trợ của Anh cho biết, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đã xảy ra trên mọi lục địa đông dân trong năm nay; đồng thời cảnh báo, hành động khẩn cấp là cần thiết để chống lại sự nóng lên toàn cầu.

"Báo cáo này cho thấy, đối với nhiều người, biến đổi khí hậu đang có những tác động nặng nề đến cuộc sống và sinh kế của họ", bà Kat Kramer, người đứng đầu nghiên cứu của Christian Aid về các vấn đề khí hậu nhận định trong một tuyên bố.

Các chuyên gia cho rằng, một thế giới ấm lên sẽ dẫn đến sóng nhiệt, lượng mưa cực đoan nhiều hơn, vụ mùa bị thu hẹp và tình trạng thiếu nước ngày càng trở nên tồi tệ, gây ra cả tổn thất về tài chính và khiến con người khó khăn.

Gần 200 quốc gia đang đặt mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình của thế giới theo Hiệp định Paris về Khí hậu năm 2015, mặc dù có một số cảnh báo tiến trình để đạt được các mục tiêu đang đi chậm lại. Liên Hiệp quốc (LHQ) hồi tháng trước cho biết, 20 năm nóng nhất được ghi nhận đã diễn ra trong vòng 22 năm qua, trong đó năm 2018 đang trở thành năm nóng thứ 4.

Các sự kiện thời tiết liên quan đến khí hậu gây tổn thất lớn nhất trong năm 2018 là Bão Florence và Michael, gây ra thiệt hại ít nhất 32 tỷ USD khi đổ bộ vào Hoa Kỳ, Caribbean và một phần Trung Mỹ.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng chịu thiệt hại ít nhất 9 tỷ USD do các vụ cháy rừng, khiến hàng chục người thiệt mạng và phá hủy hàng ngàn ngôi nhà ở California.

Nhật Bản hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những trận lũ lụt nghiêm trọng trong mùa hè, tiếp theo là cơn bão mạnh Jebi vào mùa thu, gây thiệt hại tổng cộng hơn 9,3 tỷ USD, báo cáo nói thêm.

Trong khi đó, những đợt hạn hán ở khu vực châu Âu, lũ lụt ở phía nam Ấn Độ và cơn bão Mangkhut xảy ra ở Philippines và Trung Quốc được liệt kê trong số các thảm họa liên quan đến khí hậu gây tổn thất nặng nề nhất trong năm 2018.

Các tác giả của báo cáo đã đối chiếu tổng số liệu tổn thất bằng cách sử dụng dữ liệu từ các nguồn, bao gồm các Chính phủ, ngân hàng và công ty bảo hiểm…

Ngoài ra, các tác giả cũng lưu ý, nhiệt độ gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy những sự kiện thời tiết cực đoan, trong bối cảnh họ thúc giục hành động để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu hơn nữa, sẽ gây ra ảnh hưởng nặng nề nhất đối với những cộng đồng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

"Những tác động của biến đổi khí hậu không còn phảng phất nữa. Thời tiết của thế giới đang trở nên cực đoan hơn trước mắt chúng ta, điều duy nhất có thể ngăn chặn xu hướng tàn phá này leo thang là sự sụt giảm nhanh chóng của khí thải carbon", ông Michael Mann, giáo sư ngành Khoa học Khí quyển tại Đại học bang Pennsylvania, Hoa Kỳ nhấn mạnh trong một tuyên bố về nghiên cứu nói trên.

Lê Thảo (Lược dịch từ Devdiscourse)