Theo dự báo của Hiệp hội Da Giày Việt Nam (LEFASO), tổng kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2019 có thể đạt 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018 và chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Giải thích căn cứ dự báo trên, LEFASO phân tích: Dự báo nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tốt. Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công giầy dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam chờ cơ hội Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ 31/12/2018 và EVFTA dự kiến ký kết và có hiệu lực trong năm 2019.

Năm 2019, ngành da giày dự kiến đạt 21,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu (Ảnh: Báo Công Thương)

Cùng với đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng bắt đầu tác động đến xuất/nhập khẩu của Việt Nam và thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2018-2019 tránh tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đón đầu các FTA có hiệu lực trong năm 2019.

Do vậy, "xuất khẩu da giày của Việt Nam năm 2019 tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI tăng"- LEFASO nhận định.

Nhìn lại năm 2018, Hiệp hội này cho biết, ước tính 11 tháng đầu năm 2018 Việt Nam xuất khẩu giày dép đạt 14,61 tỷ USD, tăng 10,9% và xuất khẩu valy-túi-cặp các loại đạt 3,07 tỷ USD, tăng 3%, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 17,68 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo kế hoạch, ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.

Trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 11,63 tỷ USD giày dép và 2,34 tỷ USD túi-ví-cặp, chiếm 79,4% về giày dép và 76,2% về túi-ví-cặp. Tổng kim ngạch xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI thực hiện là 13,97 tỷ USD, chiếm 78,8% cho thấy có sự tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp da giày trong nước (các năm trước tỷ trọng xuất khẩu của FDI là 80-81%).  

Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Có 5 thị trường dẫn đầu nhập khẩu giày dép của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật, Bỉ.

Tại Việt Nam, các vùng tập trung nhiều nhà máy sản xuất da – giày hiện nay là chủ yếu ở phía Nam và phía Bắc. Trong đó, ở phía Nam, tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà-Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, chiếm 80% số doanh nghiệp lớn và trên 80% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong đó TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hiện là các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp FDI và có sản lượng giày dép, túi xách lớn nhất cả nước.

Đối với khu vực phía Bắc, các tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, sản xuất giày dép, túi cặp các loại, chiếm gần 20% số doanh nghiệp và gần 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong đó, Thanh Hóa, Hải Phòng hiện là các tỉnh có sản lượng giày dép lớn nhất ở phía Bắc.

Theo VOV