Hình ảnh Bác Hồ mãi mãi khắc sâu trong trái tim của Nhân dân Việt Nam. Ảnh: TL

1. Đã 50 năm Người căn dặn chúng ta về Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (CNCN). Hôm nay, những điều này vẫn chưa hề “cũ” mà vẫn tương đồng với những nhiệm vụ đang được Đảng xúc tiến mạnh mẽ, khi một bộ phận, thậm chí là không nhỏ, cán bộ đảng viên đang nhiễm “căn bệnh” CNCN, đang chạy theo những cám dỗ vật chất. Những lệch lạc trong đạo đức, trong lối sống đã và đang diễn ra trên hết, trước hết và nguy hiểm hơn ở những cán bộ có chức, có quyền - những kẻ mang danh đầy tớ của Nhân dân nhưng dùng tiền bạc của Nhân dân để làm giàu bất chính. Đây cũng là nguyên nhân chính làm giảm sút lòng tin của Nhân dân vào đội ngũ cán bộ của chúng ta, làm cho Đảng không gần dân, dân không tin Đảng. Những khuyết điểm, yếu kém trong bộ máy của chúng ta chậm được khắc phục càng tạo những kẽ hở, những mảnh đất tốt cho CNCN phát triển với nhiều hình dạng. Đảng đang phải tiến hành cuộc đấu tranh mạnh mẽ với những sự suy thoái này. Đọc lại những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta 50 năm trước vẫn tìm thấy nhiều điều bổ ích.

2. Từ những dòng đầu của bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang. Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác… Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”. Tuy vậy, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, những danh vị cùng những đặc quyền, đặc lợi và “căn bệnh” CNCN đã làm nảy sinh nguy cơ thoái hóa, biến chất ở một bộ phận cán bộ, đảng viên được giao trọng trách giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Hiện tượng này đã xuất hiện đến mức, Người phải cảnh báo và yêu cầu kiên quyết khắc phục.

Trước đó gần một năm, ngày 7/6/1968, khi góp ý kiến về xuất bản sách Người tốt việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một luận điểm quan trọng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào CNCN”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh với các cán bộ, đảng viên rằng để phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng phải nêu cao tinh thần “mọi người vì mình - mình vì mọi người” chứ không phải vì những động cơ cá nhân. Việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống CNCN là việc cần làm hàng ngày và phải làm trong suốt cuộc đời cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên khi đã tình nguyện đứng trong hàng ngũ, đại diện trung thành cho quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Để Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch CNCN, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh năm điều: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”. Với từng cá nhân, phương cách tốt được Người nhiều lần chỉ rõ là tự phê bình và phê bình, thường xuyên, nghiêm túc, đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết. “Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”.

3. Khi nói đến việc chống CNCN, những điều cần nhấn mạnh là phải tăng cường kỷ luật Đảng, dựa vào dân; tăng cường hiệu lực pháp chế để CNCN không có đất phát triển. Cũng theo Hồ Chí Minh, trước hết bí quyết để chống CNCN ở ngay trong tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi người cần luôn cảnh giác đề phòng mọi biểu hiện của những căn bệnh cá nhân chủ nghĩa và chống nó bằng cách luôn phấn đấu, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng.

Từ năm 2012, Đảng đã ban hành Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được nêu rõ là: “Mỗi cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu” với 7 nội dung nêu gương: Về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ.

Tháng 10/2016, Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa - đều là những bản dạng khác nhau của CNCN cần phải tích cực đấu tranh, loại trừ. Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XII (10/2018) lại ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt với các cán bộ ở cấp cao nhất, “để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Thực hiện tốt những điều đó, cũng là thực hiện những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta từ 50 năm trước.

TS. Ngô Vương Anh