Điều này, có thể nhìn từ các con số quy chiếu trong hoạt động ở lĩnh vực này ở năm 2018. Chẳng hạn, tổng lượt khách đến Huế tăng 11,8%, trong đó khách quốc tế tăng 30% với các con số theo thứ tự là 4.250 ngàn lượt và 2.300 ngàn lượt. Số khách lưu trú cũng tăng khoảng 13,6% với trên 2000 lượt. Hiệu quả cộng lại của những con số này có thể được tính vào doanh thu ở lĩnh vực dịch vụ du lịch, với tỷ lệ tăng là 25% - con số cụ thể là 4.400 tỷ đồng.

Các làng nghề thủ công, nếu đầu tư tốt sẽ là tour hút khách. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

Nhưng vì sao du lịch - dịch vụ vẫn chưa là lĩnh vực thực sự mang về hân hoan khi đóng góp phần mình vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trong năm này, cũng như nhiều năm trước đó?

Nhìn lại “đội hình xung kích” trong năm qua, người ta có thể tính đến sự nhập cuộc vào “vào trận” của hệ thống chiếu sáng hàng đêm ở Kỳ Đài, của việc tái hiện cảnh khai hỏa súng thần công định kỳ 2 lần mỗi tháng và vào các ngày lễ lớn; là sự “vào phom” của phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An; không gian văn hóa nghệ thuật trên tuyến đường Lê Lợi với mật độ của các bảo tàng văn hóa, nghệ thuật, không gian trưng bày, triển lãm... đặt trong sự kết nối với cầu đi bộ trên sông Hương; là những yêu cầu cụ thể hơn trong việc tổ chức các đoàn Famtrip cũng như những tác động mang lại hiệu ứng tích cực hơn về hình ảnh vùng đất, con người xứ Huế trên một số kênh thông tin, mạng xã hội. Đây có thể xem là những nỗ lực bên cạnh những hoạt động khác của các cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại mới và cũ, khu di sản văn hóa Huế cũng như cộng hưởng từ một số hoạt động mới của các khu du lịch sinh thái cộng đồng; sự góp mặt bắt đầu nhiều hơn của các homestay cũng như mở ra mối liên kết với một số hãng lữ hành du lịch bên cạnh việc tiếp tục liên kết, hợp tác vùng, miền…Trong cái nhìn tổng quát, những điều này rõ ràng đã làm cho du lịch có màu sắc hơn, song nếu để định lượng nó như một sự thay đổi, còn phải chờ thêm thời gian.

Doanh thu từ lưu trú chỉ chiếm khoảng 32% tổng nguồn thu từ du lịch – dịch vụ - ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ - Phần còn lại là nguồn thu từ vận chuyển, dịch vụ và các nguồn thu khác từ du lịch. Phát biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy, ông Minh cũng thừa nhận là doanh số ở lĩnh vực hoạt động này nói chung chưa tương xứng với tiềm năng của một ngành kinh tế mũi nhọn. Sẵn sàng trao đổi nhưng ít khi vui, lúc nào dường như cũng đăm đắm nghĩ về một dự định, kế hoạch nào đó là điều mà tôi cảm thấy ở vị quyền giám đốc này. Mà làm sao có thể nhẹ lòng được khi có nhiều cánh cửa đã mở ra sau rất nhiều nỗ lực, nhưng sự thay đổi vẫn không được như mong đợi, thậm chí là ngày khách lưu trú còn thấp hơn, từ 1,8 xuống còn 1,79. Làm sao có thể vui khi phải đối diện với một câu hỏi khác, cũng tại diễn đàn ấy, rằng vẻ đẹp Huế khi nào cũng trầm tư là không được!

Sốt ruột không phải là câu chuyện của bây giờ mà nó đã đến từ nhiều năm trước. Cũng có thể, nó sẽ còn tăng thêm trong vài năm tới nếu không giải thích được một cách thuyết phục bằng sự tăng trưởng các con số ở tất cả các khía cạnh của du lịch - dịch vụ. Điều đó cũng nghĩa là để tạo ra năng lực tăng thêm của du lịch, những người có trách nhiệm luôn đang đứng trước áp lực không nhỏ đến từ mong mỏi, kỳ vọng của con người cũng như tiềm lực của chính tài nguyên du lịch đang có.

Khi gõ những điều này, tôi nhớ trong một bài viết mình đã đọc, CEO của AirAsia – ông Tony Fernandes – đã có lời khuyên với các đồng nghiệp ở Việt Nam tại một diễn đàn về phát triển du lịch rằng, các bạn đừng nên so sánh với Thái Lan, bởi vì ngành công nghiệp du lịch ở đó không phải là câu chuyện của 1 năm trước mà họ đã bắt đầu trong 50 năm. Bên cạnh một chiến lược phù hợp và cách làm việc chăm chỉ, theo Tony Fernandes là cần phải có một thông điệp mạnh mẽ và được truyền đi, để mọi người trên thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Mặt khác, trong việc xây dựng thương hiệu, cần định hướng giá trị rõ ràng với từng nhóm khách. Đặt những điều này trong những điều kiện hiện tại, trong quy mô địa phương, có thể nhận thấy là chúng ta vẫn có độ trễ trong việc tạo dựng và chuyển đi một thông điệp đủ mạnh, một thông điệp có thể tạo nên sự thay đổi. Tôi nói điều ấy vì, không ai có thể chuyển đi một thông điệp như thế nếu mình không chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để đáp ứng mọi nhu cầu. Rộng hơn các sản phẩm du lịch, còn là một hạ tầng kết nối cho dịch vụ, văn hóa, cả những tác động cơ bản khác về môi trường du lịch, đô thị, văn minh và đương nhiên là sự đầu tư để tạo ra được những giá trị cơ bản đó. Trong một diễn biến liên quan, cũng phải nhận thấy rằng, bộ nhận diện thương hiệu của du lịch Huế đã được công bố hơn 7 tháng trước, nhưng có vẻ như lượng người biết đến còn quá ít. Không rõ có phải do tần suất xuất hiện của logo và slogan mới còn quá mỏng hay không. Ai đó vẫn vừa hỏi tôi rằng, người ta đã thay Huế - một quê hương của hạnh phúc bằng điều gì vậy? Có bao nhiêu người ở xa hơn, đã biết và đến Huế từ sự mời gọi của Kinh đô xưa - trải nghiệm mới?

2 triệu USD là khoản chi tiêu cho quảng bá du lịch ra thế giới và với khoản chi tiêu này, Việt Nam được xếp ở vị trí 80/136 quốc gia về hiệu quả cho quảng bá du lịch – xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới – Còn thấp hơn cả các nước trong khu vực, sau Lào (53) và Campuchia (73). Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng chỉ với một khoản chi tiêu nhỏ nhoi vào khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm cho công tác quảng bá, Thừa Thiên Huế chắc cũng khó đòi hỏi gì thêm về sự lan tỏa hình ảnh nhìn từ sự đầu tư này.

Kỳ vọng, vẫn là điều đang được chờ đợi. Nó nằm ngay ở phía trước, với sự đầu tư và phát triển mới của dự án casino ở Laguna, dự án hạ tầng cảng Chân Mây và các khu du lịch, phức hợp du lịch – dịch vụ ở Lăng Cô; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài… Đây là những dự án tiếp nối, trong sự kỳ vọng tiếp nối về những dự án lớn, tạo ra được những thay đổi mang tính đột phá cho du lịch Huế. Nhưng năng lực tăng thêm, còn được đặt vào những chuyển động khác của mỗi một doanh nghiệp, cơ sở du lịch-dịch vụ và hẳn nhiên, cả một cơ sở hạ tầng đô thị ngày phải tốt hơn. Đó cũng là những “hạ tầng nền” để tạo nên một sức hút lớn hơn cho Huế.

MINH HÀ