Mây tre đan Bao La được xem là sản phẩm chủ lực xây dựng OCOP
Lợi thế
Địa hình đa dạng, nguồn tài nguyên phong phú, có nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc; đội ngũ nghệ nhân đông đảo. Đây không chỉ là điều kiện tốt cho phát triển ngành nghề nông thôn mà là tiềm năng lớn trong xây dựng OCOP ở Thừa Thiên Huế.
Một trong những lợi thế của tỉnh khi triển khai chương trình là phần lớn các sản phẩm chủ lực đã được các địa phương xúc tiến đăng ký công bố chất lượng, hoặc đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nhiều sản phẩm đã định hình thương hiệu.
Hiện cả tỉnh có hơn 5.500 chủ thể kinh tế địa phương sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực OCOP với tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm là 547.627 triệu đồng/năm. Trên toàn tỉnh có 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị nhằm phát huy kinh tế vùng nông thôn, hạn chế dân di cư từ nông thôn ra thành thị, giữ ổn định xã hội khu vực nông thôn; là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Việc triển khai OCOP không chỉ đơn thuần là phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, gồm: giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội những năm tới, Thừa Thiên Huế xác định xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình OCOP gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
Bước đi từ sản phẩm chủ lực
Cách đây không lâu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) Phạm Công Phước thông báo một cách hồ hởi: “Xã đã xây dựng được vùng quy hoạch trồng mướp đắng rộng 10 ha và định hướng sẽ trồng theo chuẩn VietGAP, thành lập tổ hợp tác chế biến trà mướp đắng sấy khô”. Ông Phước giới thiệu luôn những hoạch định, chiến lược của địa phương cùng tổ hợp tác như đầu tư máy móc, mẫu mã, thâm nhập thị trường... Đó là những bước đi để Quảng Thái xây dựng sản phẩm chủ lực hướng đến OCOP.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện OCOP có nhiều rào cản xuất phát từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, khả năng tiếp cận thị trường thấp, chuỗi liên kết sản xuất còn lỏng lẻo…Việc tuyên truyền, tập huấn về xây dựng OCOP chưa đáp ứng, người dân vẫn xa lạ với OCOP, một số lãnh đạo vẫn còn mơ hồ về OCOP...
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Trà tại nhiều diễn đàn đã chia sẻ: Hương Trà có rất nhiều sản phẩm được xem là chủ lực. Như làng bún Vân Cù là làng nghề cổ nhưng vẫn èo ọp vì thiếu những hỗ trợ thay đổi mẫu mã, thương hiệu hay đầu tư công nghệ sản xuất sạch. Hành lá Hương An cho thu nhập mỗi ha lên đến 600 triệu đồng/năm nhưng có năm vẫn “khóc ròng” vì bí đầu ra. Chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm chủ lực có khá nhiều nhưng người dân không tiếp cận được. Người nông dân lại bảo thủ trong canh tác. Thực tế có rất nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất sạch, cải tiến mẫu mã nhưng sau tập huấn, người dân vẫn chọn làm theo kinh nghiệm cũ.
Việc lựa chọn sản phẩm chủ lực tiến tới OCOP cần xây dựng được mô hình đối chứng, xây dựng thương hiệu, chiến lược tốt để đứng vững trước những bấp bênh của thị trường. Phát tiển làng nghề không đầu tư dàn trải, gắn với xây dựng thương hiệu, thị trường. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được lựa chọn phải được chuẩn hóa chất lượng theo hướng sản xuất VietGAP, hữu cơ…
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo
Theo ông Mai Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Lộc Mai, chúng ta chỉ tập trung hỗ trợ người dân về giống, vốn, kỹ thuật nhưng khâu thị trường người dân tự bơi. Người nông dân ngoài sản xuất còn phải lo vốn, nghiên cứu thị trường, tiếp thị... nên gặp nhiều khó khăn. Để tạo đột phá trong quá trình triển khai OCOP, địa phương cần sớm ban hành các cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN, HTX đầu tư cho mở rộng, phát triển sản xuất, dịch vụ cho sản phẩm OCOP trên từng địa bàn.
Cụ thể, xây dựng kế hoạch chi tiết các sản phẩm chủ lực, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và quản lý chất lượng theo chu trình OCOP, phát triển thị trường gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Trước mắt, cần tập trung tiến hành quy hoạch và xây dựng các trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, tập trung tại các điểm du lịch, khu vực đông dân cư, thuận tiện về giao thông, thương mại, nhằm đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Phó Trưởng phòng Cơ điện, ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lê Thị Ngọc Sương cho biết: Chu trình OCOP được thực hiện tuần tự theo 6 bước: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm, xúc tiến tương mại. Mỗi bước đi của sản phẩm OCOP đều được tập huấn và tư vấn thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất SP theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh hiện có 78 sản phẩm (SP) có thế mạnh, thuộc 6 nhóm SP, trong đó, 33 SP đã công bố chất lượng hàng hóa; 35 SP có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (17 SP đã bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 1 SP đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý).
HOÀNG LOAN