Lan tỏa thành phong trào

Tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tiếng Nhật tại Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế vào năm 2014, Trương Thị My My (26 tuổi, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) quyết định đi XKLĐ ở Nhật Bản. Sang Nhật làm việc ở công ty đóng gói cơm hộp, mỗi tháng, My tiết kiệm được 40-45 triệu đồng sau khi trừ các khoản phi phí sinh hoạt. Cô gái Quảng Công kể: “Công việc của em ở bên ấy không quá vất vả, cuộc sống thoải mái. Đời sống người lao động được chủ doanh nghiệp quan tâm, hàng năm đều tổ chức cho nhân viên đi du lịch nghỉ dưỡng nên em rất thích cuộc sống ở Nhật”. My kể, cô em gái của em cũng nối gót chị sang Nhật sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Huế, bạn bè của My ở Quảng Công đi XKLĐ ở Nhật khá nhiều.

Lao động học tập kiến thức, kỹ năng ở Công ty Daystar

Sau 3 năm trở về, không chỉ có số vốn dư dả giúp ba mẹ sửa sang nhà cửa, nuôi các em ăn học, My còn được nhận vào làm việc ở Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Hải Phong, công ty từng đưa My đi XKLĐ. Đảm nhận việc tuyển thực tập sinh và dạy tiếng Nhật ở Huế, My là ví dụ sinh động cho các bạn trẻ về hiệu quả của XKLĐ.

Xã Quảng Công là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào XKLĐ của tỉnh. Xác định đây là con đường để nhiều gia đình thoát nghèo, làm giàu chính đáng, chính quyền địa phương tiến hành nhiều biện pháp để đẩy mạnh XKLĐ, xem đây là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, cho biết: “Quảng Công hiện có 115 lao động đi XKLĐ, đa số là ở thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, nhiều lao động khác đi làm việc có thời hạn ở Mỹ, Úc, Đức, Canada… Thu nhập của 420 người đi làm việc ở nước ngoài chiếm hơn 60% tổng thu nhập của toàn xã trong năm 2018”.

Nếu năm 2016 chỉ trên 200 người đi XKLĐ, năm 2017 là 702 người thì năm nay, con số ấy đã trên 1.000 người; trong đó, có 700 người đi Nhật, còn lại là Hàn Quốc, Đài Loan. Gần 600 lao động khác đã trúng tuyển các đơn hàng đang chờ ngày bay. Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) vui mừng: “Trên 1.000 người đi XKLĐ nghĩa là đời sống của trên 1.000 gia đình thay đổi, các vùng nông thôn sẽ khởi sắc về hạ tầng, điều kiện sống. Không có gì kiếm tiền nhanh và chính đáng như đi XKLĐ. Đà này, năm 2019 và những năm tiếp theo, công tác XKLĐ sẽ đạt những cột mốc mới”.

Không chỉ là thu nhập

Có được kết quả trên là nhờ những chủ trương cụ thể của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc thực sự của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền chính sách, tư vấn đơn hàng, phổ biến những lợi ích của XKLĐ. Những vướng mắc, nghi ngờ, điều chưa hiểu rõ, người lao động có thể gọi trực tiếp cho cán bộ Sở LĐ, TB&XH trả lời, phối hợp giải quyết. Sở LĐ, TB&XH còn chuẩn bị xuất bản cẩm nang tư vấn đi làm việc ở nước ngoài để cung cấp miễn phí cho NLĐ. Hiệu quả kinh tế của những người đã và đang làm việc ở nước ngoài là kênh tuyên truyền hữu hiệu để phong trào XKLĐ lan tỏa trong xã hội.

Lao động đi XKLĐ ở Nhật Bản trước giờ bay

Sở LĐ, TB&XH còn tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, mấy năm nay, không có trường hợp nào đi XKLĐ bị trục trặc nên NLĐ tin tưởng. Ông Lê Ngọc Tình, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Hợp tác Quốc tế Daystar cho hay: “Với sự quan tâm của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành LĐ,TB&XH cùng doanh nghiệp, XKLĐ đã lấy lại được niềm tin của NLĐ. Với Daystar, chúng tôi luôn xác định việc xây dựng niềm tin với NLĐ là quan trọng; hỗ trợ, đồng hành cùng NLĐ trong quá trình học tập ở Việt Nam và sang Nhật làm việc”.

Theo đánh giá của ông Đinh Thanh Tùng, Trưởng đại diện Công ty TNHH Esuhai tại Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế là thị trường XKLĐ tiềm năng sẽ rất phát triển trong thời gian tới. Lao động ở Thừa Thiên Huế trẻ, cần cù, chăm chỉ, có nền tảng văn hóa, tố chất phù hợp với người Nhật nên được người Nhật mến. Nhiều đơn hàng chỉ muốn tuyển lao động của Thừa Thiên Huế sang làm việc. Với các bạn trẻ, cũng đã có sự thay đổi lớn về nhận thức. Nếu trước đây, sinh viên ra trường chỉ tìm việc làm trong nước thì giờ đã tìm kiếm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài.

Làm tốt công tác XKLĐ còn lợi thêm nhiều mặt. Ngoài thu nhập, hành trang mỗi lao động mang về còn có tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng nghề, ứng dụng công nghệ, kỷ luật lao động, rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp của các nước tiên tiến, từ đó nâng cao chất lượng nguồn lao động. Họ còn học được sinh hoạt văn hóa, nét lịch sự của những đất nước phát triển, từ đó sẽ thay đổi tư duy, nếp sống. Những điều tiến bộ còn được truyền đạt cho gia đình, áp dụng vào việc giáo dục con cái sau này.

Ông Hà Văn Tuấn cho rằng: “Một trong những vấn đề khiến tỉnh ta thu hút đầu tư Nhật Bản chưa nhiều là do nguồn nhân lực không biết ngôn ngữ, kỷ luật lao động, văn hóa của người Nhật. Từ XKLĐ, Thừa Thiên Huế sẽ có nguồn nhân lực đã được đào tạo kỹ năng, thành thạo ngôn ngữ, tác phong lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là lợi thế để thu hút đầu tư từ các quốc gia này”.

Bài, ảnh: Minh Hiền