Ở Huế có một ngã sáu, quen gọi là ngã sáu Hùng Vương.

Một bùng binh lớn ở đây được đập đi, thu hẹp lại.

Cái bùng binh nhỏ thế mà làm rất “sốt ruột”. Cơ quan tôi làm việc gần đó, ngày hai bận đi qua đây, thấy hết tháng này đến tháng khác vẫn cứ để vậy, chẳng thấy ai có ý định “đẩy nhanh tiến độ thi công”. Thầm nghĩ: không hiểu những nhà quản lý đô thị làm ăn kiểu gì !?

Nhưng bây giờ thì đã hiểu. Hiểu rất rõ nữa là đằng khác. Người ta chăm chút cho thiết kế để tìm kiếm một không gian đẹp nhất. Hôm qua đi ngang qua, thật lòng mà nói là thấy hết sức thích thú và ngỡ ngàng vì không gian ở đây. Với tôi là hết sức đẹp và thú vị. Ba cây cọ lớn được trồng lên trên một đồi cỏ. Vài tảng đá núi được đưa đến đặt trên thảm cỏ hững hờ. Nó không có cảm là bùng binh để làm phận sự phân luồng, điều chỉnh hướng giao thông… mà là đồi. Có cảm giác đang đi giữa phố thì bắt gặp đồi. Một đồi cọ ở đâu vùng Trung du Phú Thọ. Thú vị đến vô cùng.

Trên một nền tảng Huế chưa giàu. Thu nhập và mức sống của người dân đô thị chưa cao nên cũng khó mà “chỉn chu” được ở mỗi không gian. Giao thông đô thị vẫn còn lộn xộn; chiếm dụng vỉa hè vẫn còn nhiều; rác thải vẫn còn vức bừa bãi…Nhưng Huế không thiếu những không gian đẹp. Có dịp đi nhiều đô thị, và có dịp so sánh, tôi nghĩ, Huế đã đạt một đẳng cấp nào đó trong việc thiết kế những mảng xanh. Ví dụ như không gian ngã sáu Hùng Vương vừa nêu. Có gì đâu. Ba cây cọ, một thảm cỏ, vài tảng đá đã cho ta một cảm giác khác lạ, thích thú. Nó làm dịu mắt người, nó không vướng tầm nhìn. Cũng mảng xanh đấy thôi nhưng không “lòe loẹt”. Đưa con người ta đến gần với thiên nhiên thật hơn.

Công viên hai bên bờ sông Hương thì quá đẹp rồi. Ở đây nó đạt đến độ tĩnh tại, tự nhiên. Có sự “can dự” trong thiết kế không gian đấy nhưng như là không có. Những bóng cây cổ thụ, bãi cỏ mềm mại, triền sông, mặt nước sông Hương, đò dọc đò ngang…Không gian từ Đập Đá lên tới Bảo tàng Hồ Chí Minh; từ Học viện Âm nhạc lên tới cầu Bạch Hổ. Rồi bên bờ Bắc sông Hương từ cầu Bạch Hổ lên chùa Thiên Mụ, ngược xuống chợ Đông Ba, ven sông An Cựu, ven hai bờ sông Đông Ba, dọc đường Trịnh Công Sơn… đó là những mảng xanh tuyệt đẹp.

Thiên tạo thì đã hẳn rồi. Nhưng nhân tạo, với cái nhìn thẩm mỹ của những nhà quản lý, những nhà chuyên môn là một bổ sung tương đối hoàn hảo cho việc tạo dựng nhưng không gian xanh của Huế.

Tôi có cảm nhận rằng, những nhà quản lý, nhà chuyên môn và người dân Huế có một đòi hỏi rất cao về yếu tố thẩm mỹ trong việc tạo dựng không gian. Có phải vậy không mà khi muốn làm một công trình nào đó… thì có nhiều “lời ra tiếng vào”. Họ sợ có những tác động nào đó làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của Huế. Chắc là cũng mong muốn chỉ để cho Huế đẹp hơn lên thôi.

Trong định hướng phát triển đô thị của cả tỉnh nói chung và đô thị Huế nói riêng đã xác định  xây dựng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan, thân thiện với môi trường. Đây chính là định hướng cho một đô thị phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và môi trường sống.

Hai mục tiêu giữa phát triển về kinh tế và bảo vệ được môi trường sống, tạo một không gian sống tốt đẹp cho người dân… không phải lúc nào nó cũng song trùng được. Đã có không ít bài học chọn phát triển nhanh về kinh tế nhưng có những đánh đổi về mục tiêu môi trường. Huế không chọn phát triển theo hướng này. Huế chọn hướng phát triển bền vững. Hiểu một cách nào đó thì phải hài hòa cho được giữa đời sống vật chất và tinh thần. Điều này, chắc chắn về lâu dài sẽ nâng cao được “chỉ số hạnh phúc” của người dân.

Nguyên Lê