Ngày đêm theo đuôi tôm
Kéo tôm |
Chúng tôi đến vùng nuôi tôm xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) vào vụ thu hoạch sớm. Ngày trước, đây là những cồn cát hoang sơ, những bãi cát nghèo chất dinh dưỡng chỉ trồng được một vụ khoai lang, giờ đây đã trở thành khu nuôi tôm sôi động, giúp nhiều gia đình trở nên giàu có đồng thời tạo điều kiện cho những hộ dân nghèo trong vùng có kế sinh nhai.
Nghề kéo tôm ở vùng này ban đầu hình thành từ một nhóm người chuyên đi kéo tôm thuê cho các chủ hồ. Về sau, phong trào nuôi tôm phát triển mạnh mẽ đặc biệt là sự đầu tư mạnh tay của các công ty nuôi tôm đóng trên địa bàn xã Điền Lộc và Điền Hương (huyện Phong Điền) khiến nghề kéo tôm trở nên cần thiết. Ông Nguyễn Văn Vinh (thôn 10, xã Điền Hoà), người gắn bó với nghề kéo tôm gần 10 năm, cho biết: “Lúc đầu chỉ có vài nhóm nhỏ đi kéo thuê, tui là một trong số đó. Khi hồ tôm mọc lên ngày càng nhiều thì cần số lượng người kéo tôm khá lớn. Làng nào cũng có vài nhóm đi kéo tôm thuê cho các công ty và các hộ nuôi tư nhân. Có làng chỉ sống dựa vào nghề kéo tôm”.
Những người theo nghề này chỉ cần trang bị một bộ áo ít thấm nước, đôi găng tay, còn lưới kéo thì họ đã được các chủ hồ tôm trang bị. Đây là công việc rất vất vả vì phải ngâm mình lâu dưới nước, thời gian làm việc không ổn định, lúc ban ngày, lúc ban đêm, tùy theo sự sắp xếp của các chủ hộ nuôi, nên đa số lao động đều là đàn ông. Ông Vinh chia sẻ: “Tụi tui theo nghề ni phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty và chủ hộ nuôi tôm, kéo vào bất kì thời điểm nào trong ngày: buổi sáng, buổi chiều, buổi tối thậm chí là đêm khuya. Nghề ni vất vả lắm, nhiều lúc đang ngủ say mà họ gọi đi kéo tôm thì cũng phải thức. Kéo tôm phải dùng lưới dài từ 100-200m, mỗi nhóm kéo cần từ 8 đến 10 người. Mỗi lần kéo mất độ 30 phút, kéo đến khi tôm trong hồ không còn con nào thôi. Sau đó phải phụ giúp các chủ hồ vận chuyển tôm lên xe đông lạnh”. Không những thế, những người theo nghề này cần phải có sức khoẻ tốt, sự kiên trì và bền bỉ mới có thể trụ được. Anh Trần Dược (thôn 11, xã Điền Hoà) tâm sự: “Tuy đây là nghề làm thuê như bao nghề khác, ai cũng có thể làm được nhưng để trụ lại với nghề không phải dễ. Bất kể thời tiết nắng nóng hay mưa lạnh đều phải đi làm. Có rất nhiều hôm, đêm khuya, trời lạnh các chủ hồ gọi đi kéo tôm vì tôm của họ bị sự cố (bị chết) phải thu hoạch gấp thì tụi tui cũng phải lò mò, thức dậy để đi làm việc. Kéo xong thì trời vừa hé rạng. Lúc kéo mùi hôi của nước và chất thải của tôm khiến cho nhiều người bị dị ứng, da dẻ bị mẩn đỏ, sần sùi nên có người không chịu nổi đành phải bỏ nghề”.
Đời sống được nâng cao
Đa phần những người theo nghề này đều cho rằng, đây là công việc rất vất vả nhưng mang lại cho họ thu nhập cao. Anh Phan Khanh, chủ hồ tôm ở xã Điền Hoà cho hay: “Có nhiều cách để trả công cho những người kéo tôm. Có thể trả công theo tấn, cứ kéo mỗi tấn tụi tui trả cho nhóm kéo tôm 400-500 ngàn, tuỳ theo quãng đường vận chuyển tôm đến xe cho thương lái. Hay có thể trả theo ngày công, làm nghề này mỗi người có thể kiếm được từ 180-200 ngàn đồng/ngày. Nếu làm việc chăm chỉ, nhanh nhẹn thì họ được thương lái cho thêm mấy trăm nghìn bồi dưỡng”.
Nghề kéo tôm không chỉ giúp những lao động nghèo nơi đây có công ăn việc làm mà còn giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ kéo tôm mà nhà nào cũng sắm cho mình được xe máy, cái tủ lạnh, cuộc sống bớt đi phần cực nhọc. Ông Hồ Hữu Phương, một người sống bằng nghề kéo tôm cho biết: “Như những gia đình khác, gia đình tôi trước đây làm nghề chài lưới, những năm trở lại đây biển mất mùa, bấp bênh, tui cùng hai đứa con trai theo nghề kéo tôm. Chỉ đi biển những lúc mùa màng, những ngày bình thường thì đi kéo tôm kiếm sống. Mỗi ngày tui đi kéo tôm còn vợ bốc tôm lên xe cho thương lái, hai vợ chồng cũng kiếm được trên dưới 400 ngàn đồng. Những hôm đi kéo cho các công ty nuôi tôm thì thu nhập còn cao hơn nhiều. Ngoài tiền công tụi tui còn được công ty và thương lái cho thêm một vài trăm ngàn là chuyện thường. Kéo xong tôm thì tụi tui nhận vệ sinh các hồ chuẩn bị vụ mới. Ở làng tui bây giờ nhà mô cũng có người làm nghề kéo tôm, nhờ con tôm mà có cuộc sống ấm no, tiện nghi đầy đủ, nhiều nhà mua xe tay ga và tủ lạnh.”
Bất kể lúc nắng hay mưa, trời nóng hay lạnh, ở đâu có hồ tôm là ở đó bóng dáng của những người kéo tôm thuê. Nghề này còn tạo công ăn việc làm cho những thanh niên nhàn rỗi. Anh Lê Văn Hùng, 33 tuổi ở xã Điền Hoà lúc trước là thanh niên không có nghề nghiệp ổn định, sau khi cưới vợ cuộc sống trở nên bấp bênh, khó khăn vì vừa lo cho cuộc sống gia đình vừa lo cho hai đứa con ăn học. Từ khi nghề kéo tôm xuất hiện cuộc sống của gia đình anh trở nên khá giả, các con được học hành tử tế. Anh Hùng chia sẻ: “Lúc mới cưới, vợ chồng tui không có nghề nghiệp ổn định. Tui thì đi biển lúc có lúc không, vợ ở nhà chẳng có việc chi để làm. Tui làm cả ngày chỉ đủ tiền đong gạo. Từ khi đi kéo tôm cho các công ty, cuộc sống gia đình tui đỡ vất vả hơn. Nhờ con tôm mà hai vợ chồng đã dành dụm được tiền để xây căn nhà, mua chiếc xe máy để đi làm và nuôi hai đứa con ăn học”.
Bài, ảnh: Lê Thọ