Một không gian gợi mở
Hoạ sỹ Đặng Mậu Tựu xem lại một tác phẩm trước lúc "trình làng" |
Hai mươi chín hoạ phẩm đều mang dạng thức vuông, khuôn khổ từ 0,8 – 1,4m, chất liệu sơn dầu và Acrylic. Đây là những tác phẩm đã được tinh tuyển trong số những tác phẩm được hoạ sỹ Đặng Mậu Tựu sáng tác từ 2008 đến nay.
Hỏi vì sao lại đặt tên cho phòng tranh là “Những mảnh rời ký ức”? Hoạ sỹ lý giải: “Tất cả đều trôi đi, chỉ có ký ức là thường trực và theo ta mãi. Những ký ức đó đôi khi lại hiện về, như những phiến rời, có yêu, có ghét. Thế là tôi vẽ. Ưa chi vẽ nấy. Điều quan trọng là tôi thích chúng”.
Chính vì ghi lại những phiến rời ký ức nên cả 29 bức tranh đều được Đặng Mậu Tựu thể hiện dưới dạng tranh trừu tượng và bán trừu tượng. Dòng tranh tương đối “khó nhằn” với công chúng, nhưng lại gợi mở rất nhiều suy tưởng, nhiều cảm xúc. Và xem riết thì sẽ ghiền lúc nào không hay.
Hoạ sỹ cho phép tôi được tiếp cận bộ tranh ngay tại tư gia của anh trước khi mang đi trình làng. Bên một phiến rời ký ức được anh đặt tên “Dòng sông tuổi thơ”, tôi thấy thấp thoáng hình bóng của những đứa trẻ đang nô đùa với dòng nước trong xanh; những cá, những tôm, những bóng cây, bờ lau, bãi cỏ đầy hoài niệm… Tất cả đồng hiện trong cùng một tác phẩm. Hay đồng hiện trong tâm thức người hoạ sỹ tài hoa họ Đặng? Cái phiến rời ký ức ấy mãi theo anh, gợi cho anh những mỹ cảm trong trẻo của tuổi thơ, của quê hương xứ sở, để rồi vỡ oà ra trong tranh và toả lan đến vô cùng miên viễn…
"Khi cơn lũ đi qua" – một trong số các tác phẩm sẽ trưng bày tại triển lãm |
“Bên đời phiêu lãng” vẽ một con người tung tăng bay nhảy trong môi trường không trọng lượng, không áp lực. Con người ấy đã thoát khỏi những lo toan của cơm áo gạo tiền, những muộn phiền ưu tư thường nhật. Một góc độ nào đó theo ngôn ngữ nhà Phật, ấy là sự “giải thoát”, hoặc sự “vô vi” trong minh triết Lão Trang. Cảnh giới ấy phải chăng cũng là khát vọng của hoạ sỹ khi mơ về những đứa con tinh thần?
“Người chơi đàn guitare” vẽ một gã người mang 4 khuôn mặt cùng cây đàn guitare. Gã người được vẽ với sắc đỏ đen, khuôn mặt chi phối với 2 màu trắng – đen chủ đạo. Lòng người có thể đổi thay, cuộc đời có lúc như một vở tuồng trên sân khấu. Nhưng âm nhạc thì vĩnh cửu với thời gian.
“Đô thị hoá” là một bức khổ lớn. Ở đó có một mảng xanh bị dồn ép đến tội nghiệp về phía dưới, chồng chất bên trên là những toà nhà, những công trình phố thị chật cứng với gam màu đỏ đến buốt lòng. Sự phát triển đô thị nếu thái quá, nếu thiếu tư duy, thiếu quy hoạch thì phải trả giá. Và sự trả giá đó đã và đang hiện hữu nơi này, nơi kia. Ấy là thông điệp mà hoạ sỹ muốn gửi gắm với cộng đồng, trong đó có những người “cầm cân nảy mực”, những nhà quản lý…
“Những mảnh rời ký ức” do vậy là một địa chỉ rất đáng được ghé thăm để lắng đọng và chiêm nghiệm …
Tìm tòi hướng đi mới
Là bạn vong niên, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ được trò chuyện lâu lâu với anh. Nay, cũng nhờ… “Những mảnh rời ký ức” mà tôi may mắn được hàn huyên với anh thoải mái. Hoá ra, cuộc đời của anh cũng có nhiều chuyện thú vị mà chưa chắc ai cũng biết. Nói về nguyên do “Những mảnh rời ký ức” vào triển lãm tại TTNT Lê Bá Đảng, hoá ra, anh với hoạ sư họ Lê đã hữu duyên tận những năm đầu sau giải phóng 1975. Hồi ấy, Đặng Mậu Tựu đang là anh thầy dạy vẽ ở trung tâm thiếu nhi, vừa dạy vẽ ở trung tâm, anh vừa xin dạy vẽ miễn phí cho trẻ ở các trường mầm non trong thành phố để “giúp cho các em vẽ theo cách nó nghĩ chứ không phải theo cách nó nhìn”. Năm 1977, trong một lần tổ chức triển lãm tranh thiếu nhi tại trung tâm văn hoá Liễu Quán, hoạ sỹ Lê Bá Đảng đã ghé xem và mua một số bức để sưu tập, ông đã gặp Đặng Mậu Tựu. Cuộc gặp mặt đó đã để lại ấn tượng mạnh và truyền thêm cảm hứng cho anh. Mối quan hệ giữa anh và Lê Bá Đảng bắt đầu như vậy… Và nay thì họ lại gặp nhau. Không gian Lê Bá Đảng quả thật là một không gian lý tưởng để “Những mảnh rời ký ức” trình làng. Ngược lại, “Những mảnh rời ký ức” cũng sẽ kéo thêm công chúng, tạo cơ hội để công chúng tiếp cận với không gian Lê Bá Đảng.
Tháng 11/2013, Đặng Mậu Tựu hồi hưu, bỏ lại sau lưng những chức vị, những triền miên họp hành, công tác... Anh về sống bình yên cùng người vợ hiền trong ngôi nhà có tên Sông Như bên dòng Như Ý. Bây giờ thì anh có thời gian để dồn cho nghệ thuật. Trước đây đang còn công tác, sáng tác của anh đôi khi bị ngắt quãng. Vừa vẽ được một lát là phải lo đi việc nọ, làm việc kia. Có lẽ thế mà tranh của anh thường dùng chất liệu sơn dầu, Acrylic. Đơn giản là vì chúng… nhanh khô. Nay có thời gian, anh đang dự định khai thác những chất liệu mang tính dân tộc như sơn mài, lụa... Anh cũng đang cố gắng tìm tòi cho mình hướng đi mới, bởi theo anh, nghệ thuật mà dừng lại thì sẽ là thứ nghệ thuật chết.
Hỏi anh có ý định tìm “truyền nhân”? Một thoáng trầm ngâm, anh bảo chưa nghĩ. Nhưng anh sẽ đến với trẻ khuyết tật, để bù đắp cho các em bớt những thiệt thòi…
Diên Thống