Ngày Chữ nổi Thế giới được tổ chức vào ngày 4/1 hàng năm. Ảnh: Twitter

Ngày Chữ nổi Thế giới được Đại hội đồng LHQ tuyên bố hồi tháng 11 năm ngoái, như một phương tiện để thực hiện đầy đủ quyền con người của những người khiếm thị và khiếm khuyết một phần thị giác, đồng thời đưa ngôn ngữ viết lên hàng đầu như một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy quyền tự do cơ bản.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo, những người khiếm thị có nhiều khả năng phải đối mặt với tỷ lệ nghèo đói và thiệt thòi cao hơn những người bình thường.

Trên khắp thế giới, 39 triệu người bị mù và 253 triệu người bị một số loại suy giảm thị lực. Chữ nổi giúp họ có thể đọc những cuốn sách và các ấn phẩm định kỳ.

Sáu dấu chấm đại diện cho mỗi chữ cái, con số, thậm chí các ký hiệu âm nhạc và toán học, cho phép việc truyền đạt những thông tin quan trọng được viết để đảm bảo năng lực, tính độc lập và bình đẳng.

Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật (CPRD) khẳng định, chữ nổi như một phương tiện giao tiếp; và coi đó là điều cần thiết trong giáo dục, tự do ngôn luận và ý kiến, tiếp cận thông tin và hòa nhập xã hội cho những người sử dụng nó.

Để thúc đẩy các xã hội có thể tiếp cận và bao gồm người khuyết tật hơn, LHQ đã đưa ra báo cáo đầu tiên về khuyết tật và phát triển vào năm ngoái, trùng với Ngày Quốc tế về Người khuyết tật (3/12). Trong đó, Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia vào việc lấp đầy các khoảng trống bao trùm.

“Hãy để chúng tôi tái khẳng định cam kết hợp tác vì một thế giới hòa nhập và công bằng, nơi các quyền của người khuyết tật được thực hiện đầy đủ”, ông António Guterres nhấn mạnh.

Thanh Ngân (Lược dịch từ UN News)