Gia tài của người nghèo

72 tuổi, gia tài lớn nhất của ông Hào là trên 1.000 cuốn sách đủ các thể loại. Gia đình ông làm nông với 3 sào ruộng, lại có cậu con trai bị suy thận giai đoạn cuối nên cuộc sống khá vất vả. Điều lạ, trong ngôi nhà cấp 4, chưa quét vôi lại có “cả bồ” tri thức.

Đại diện Thư viện tổng hợp tỉnh tặng sách cho ông Trương Hào

Kể về ý tưởng hình thành thư viện tại nhà, ông Hào trải lòng, tôi học hành không đến nơi, đến chốn nhưng vẫn giữ thói quen đọc sách từ thời trai trẻ. Hễ có đồng nào tôi lại đạp xe hàng chục cây số lên thành phố lùng sục khắp các tiệm bán sách cũ để mua sách. Lương bổng không có nên tôi đã viết thư khắp nơi xin sách về đọc. “Kiến tha lâu, đầy tổ”, có thời điểm nhà ngổn ngang sách nên tôi nghĩ đến chuyện hình thành tủ sách gia đình để phục vụ nhu cầu văn hóa đọc cho bà con thôn Hạ Lang. Lúc ấy, có người cho ông gàn dở, miếng ăn còn phải chạy từng bữa lấy đâu ra thời gian để đọc sách. Bỏ qua tất cả khi tâm nguyện của ông  được vợ con và những người bạn phương xa ủng hộ. Những người bạn ở TP. Hồ Chí Minh tặng ông 300 cuốn sách nên “vốn liếng” của ông rủng rẻng hơn. Ấy là vào thời điểm năm 2014, tủ sách gia đình ông Trương Hào hình thành.

Hồi ấy, người nông dân ở thôn Hạ Lang vẫn còn lạ lẫm với mô hình này nên ông mở cửa được dăm ba tháng mà vẫn chưa có độc giả. Ông đã nghĩ ra cách “tiếp thị” khi vào từng nhà vận động phụ huynh và con em họ đến đọc sách mỗi ngày. “Mưa dầm thấm đất”, nhiều phụ huynh dắt các em đến xin vào “thư viện” đọc sách, vừa tránh xa các trò chơi vô bổ, vừa quản con an toàn. Trẻ em say sưa đọc truyện cổ tích, truyện tranh, tập những bài hát đồng dao qua sách, đọc sách tham khảo, nâng cao việc học của mình. Những lão nông tri điền lại thấy tầm quan trọng của việc đọc sách, nhất là sách hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, bà con thấy thiết thực nên phong trào đọc sách trong làng ngày một lan tỏa. Nhờ có sách, nhiều người dân ở địa phương được tiếp cận kiến thức để áp dụng vào đồng ruộng hay chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Ông Trần Văn Hoài, nông dân trong thôn cho biết.

Kể từ ngày hình thành tủ sách gia đình, ông như người có con mọn, công việc nhà nông khá vất vả, nhưng ông vẫn tranh thủ giới thiệu sách mới, nội dung sách để người đọc dễ tiếp cận hơn. Giờ thì nhà ông đón khách khá đông, cả trẻ con lẫn người lớn ước chừng cũng trên 20 người/ ngày. Ông không làm thẻ, không ghi chép, các em tự ghi vào sổ mượn bao nhiêu sách, bao nhiêu ngày rồi tự đến trả, vậy mà ông chẳng bao giờ mất cuốn nào. Hai vợ chồng ông bàn bạc, thôi thì “chật nhà nhưng không chật bụng”, bố trí một “phòng đọc” ngay trong nhà với bộ bàn ghế chừng mười người đọc. Ấy vậy, lắm lúc cũng chẳng đủ chỗ, bọn trẻ ngồi bệt ra nhà miễn là có sách đọc. “Mỗi lần thấy các cháu vào tủ sách tìm đọc là tui rất vui. Tui già cả rồi, không làm được chi nữa, chỉ mong tủ sách này càng có nhiều sách, các cháu thường lui tới tìm đọc và học thật giỏi, sau này sống có ích cho xã hội”. Ông Hào tâm sự.

Kết nối người yêu sách

“Tiếng lành đồn xa”, tủ sách gia đình ông Hào được nhiều người biết đến. Thấy ông nhiệt tình, bà con đồng hương, cán bộ công chức, giáo viên có người tặng cả chục cuốn sách. Ông đưa ra cho chúng tôi xem cả chồng thư của những người bạn phương xa mà ông chưa hề quen biết. Họ cẩn thận tặng cho ông một hai cuốn sách quý, dăm ba bộ sách hay để ông có sách mới phục vụ bạn đọc. Nhóm thiện nguyện từ TP. Hồ Chí Minh, thư viện tỉnh là những nhà tài trợ giúp ông duy trì tủ sách. Nhất là nguồn sách tham khảo, nâng cao dành cho các em thi tốt nghiệp, học đại học và sách giáo khoa các cấp cho học sinh nghèo trong làng mượn học.

Địa chỉ đọc được các em học sinh yêu thích

Ông bảo, tôi quý ân tình của những người yêu sách khi của một đồng, công một nén, bởi có những giáo viên, bác sĩ lặn lội tìm về nhà tôi cũng chỉ để tặng sách. Thư viện tỉnh cũng đồng hành khi hỗ trợ tôi hàng trăm cuốn sách, giá sách. Mỗi khi có sách mới về, bọn trẻ thích lắm, chúng ngồi hàng giờ đồng hồ, quên cả ăn cơm. Chỉ chừng ấy thôi cũng làm chúng tôi phấn chấn, tìm mọi cách để có thật nhiều sách cho các em. Ông Hào bộc bạch.

Sách nhiều lên từng ngày, đã mấy năm nay nhà ông không còn chỗ để sách nữa, ông phải lấy túi nilon bọc cẩn thận từng cuốn rồi dựng ở góc nhà. Vài ba ngày, ông lại lấy sách mới ra giới thiệu… Ông chỉ ước ao giá mà mình có tiền sẽ làm thêm mái hiên trước nhà để mở rộng nơi đọc sách cho bọn trẻ. Mong muốn có thêm một vài giá sách để vừa giới thiệu, vừa bảo quản sách khỏi bị mối mọt khi thời tiết mưa nắng thất thường. Nhưng đó chỉ là mơ ước khi ông “lực bất tòng tâm”.

Tủ sách tư nhân của ông Hào hoạt động có hiệu quả, song vẫn còn giới hạn về số đầu sách lẫn chủng loại. Do phục vụ miễn phí nên việc đầu tư cơ sở vật chất, nhất là kệ trưng bày chưa đầy đủ và thiếu điều kiện để bảo quản tốt sách. Ngoài ra, cũng cần một chính sách hỗ trợ để những thủ thư “không lương” như ông Hào trở thành một cánh tay nối dài đưa văn hóa đọc đến người dân.

Mô hình thư viện sách miễn phí và những việc làm thiết thực của ông Hào là cầu nối giúp học sinh và người dân miền quê có được điều kiện sinh hoạt, trau dồi kiến thức, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Ngoài cách phân định các loại sách phù hợp với sở thích và độ tuổi độc giả, họ còn biết cách thuyết phục người đọc đến với sách.

Ông Hào tâm niệm: “Văn hóa đọc không bao giờ mất, có sách là có tri thức, mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người, nuôi dưỡng các mầm non của đất nước”.

Bài, ảnh: Huế Thu