“Hành trang” đơn giản của một chị bán bánh rong

Tồn tại đã hơn 20 năm, ngày nào cũng nổi lửa trừ lũ lụt và khi vào vụ gặt, nhưng bà Lê Thị Điểm – chủ lò bánh lọc, ram ít ở Vân Dương (Thủy Vân - Hương Thủy) bảo cũng chỉ đủ ăn. Thấy vẻ không tin của tôi, bà nói chú cứ đứng một chặp là biết.

Khách ra vô bà Điểm mặc kệ, cứ lúi húi hấp bánh. Bánh chín, khách đếm bánh trả tiền. Xong, khách ngồi lại chia bánh thành từng thứ riêng biệt, xếp gọn gàng trong cái rổ tre bóng màu mưa nắng. Khách ở đây là những người bán bánh rong bằng xe đạp. Là những bèo, nậm, lọc, ram ít, ướt, là chả, nem chiều chiều theo chân người bán tỏa khắp phố khắp phường.

Cứ tưởng, hoặc là người bán làm tất thảy, hoặc sẽ mua tất thảy những thứ ước chừng bán trong ngày, sau đó cứ thế cùng bánh lên đường. Nhưng không. Người mua cũng là người làm. 4-5h sáng đã dậy cùng chồng khuấy bột, rồi cũng nhân cũng nhụy, cũng nhồi cũng nặn cũng hấp. Nhưng nếu bán 5 loại bánh, các chị sẽ làm 2, 3 loại, đến đầu giờ chiều đến lò bánh lấy thêm những thứ còn thiếu, tất cả chỉ độ 30-50 ngàn đồng, thế thôi. Và đó cũng là câu trả lời cho chuyện “đủ ăn” của bà Điểm khi đếm tới đếm lui, cả buổi chiều bà bán ra chỉ chừng 600 ngàn đồng tiền bánh.

Chờ bánh chín để lấy thêm tại lò bánh bà Điểm

Một vòng theo chân, chị Cúc, chị Ngân, chị Mùi sau khi qua cầu Xuân Hòa chạm QL 49, các chị lại tỏa ra khắp hướng. Người thì Tùng Thiện Vương, Nguyễn Sinh Cung. Chị thì Lê Quý Đôn, khu phố Tây. Có người đạp tận Hồ Đắc Di, cầu vượt… mặc mưa, mặc gió.

Cái nghề bán bánh rong chi không biết chơ nhất định phải nhớ thời điểm đường mô, nhà mô hay ăn vào tầm giờ nọ, giờ tê. Có nhà cứ thứ 7, chủ nhật đúng 2h là mở cửa ngóng nậm, lọc. Cũng có nhà 6h chiều là bé gái kiểu chi cũng mua một dĩa bánh bèo. Phải nhớ như rứa để canh giờ mà đạp, mà rao. Cũng có khi “đến giờ G” không thấy khách quen, mấy chị cứ phải đạp vòng vòng, rao thật to để họ nghe họ biết.

Nói là nghề tay trái nhưng các chị đã theo nghề từ lâu, ai cũng có đường quen, khách thân nhưng không có chuyện “địa bàn” hay “cát cứ”. Mới đầu là đi hướng quen, mối quen, sau đó cứ đạp lòng vòng. Có ngày đạp gần trăm cây số, càng ế càng đạp nhiều, nên chuyện đạp qua khu vực quen của người khác là bình thường. “Nhưng nếu tới mà thấy có gánh của ai đó rồi thì mình lại quành sang đường khác”, chị Mùi nói.

Chị Mùi năm nay hơn 40 tuổi, người Vân Thê (Thủy Vân), theo nghề cũng hơn chục năm. Chị Cúc, chị Ngân cũng loanh quanh gần đó, cũng chừng đó năm rao bánh. Đạp đến khu vực hay bán, các chị lúc gửi nhờ xe đạp rồi nách bánh dạo quanh, lúc thì nhẫn nại trên yên ngựa sắt mà lần, mà tìm vào xóm nhỏ.

Một gánh bánh bán từ 2h chiều, đắt khách 7h tối là hết, ngày ế thì 8, 9h đêm. Quần quật đôi chân, rao rát cả họng cũng chỉ lời 40-50 ngàn đồng. Thì cứ nhìn cái cách lấy bánh tại lò bà Điểm, cái cách mua mỗi người 5 cặp cả nem lẫn chả bán kèm. Lò chả Lê Thị Kim Loan (P. An Đông – TP. Huế) là mối quen chục năm nay. Cặp nem, cặp chả lấy 4 ngàn đồng, đến tay người ăn chỉ 5 ngàn đồng/cặp.

Lại nghĩ, nghề nào mà chẳng đổ mồ hôi, nhưng cái sự 1 ngàn đồng chênh lệch, cái quần quật bất kể nắng mưa chỉ lời năm ba chục ngàn đồng đúng là lấy công làm lãi. Mà đó là khi bán hết. Còn mỗi khi bánh ế, tối về cả nhà được “ăn tươi” nhưng ai nấy mặt cũng rầu.

Quành lại nhà bà Điểm khi việc đã vãn. Bên chén trà trong cơn mưa chiều tầm tã, bà Điểm nói mấy đứa nớ bán đã lâu, nhưng nghề tay trái cũng được mà chuyên bán không sai khi mà vừa xong phần đồng áng gà heo lập tức đã quay qua “ai… nậm, lọc…”. Không biết lên phố họ bán ra răng chơ ở đây đều là bà con xóm làng, đều là nông dân vất vả, lời lãi không biết đủ cho con ăn học ngang mô. Bởi rứa, có muốn tăng giá cũng không đành, bà Điểm rỉ rả.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG