Thành phần chất béo (chủ yếu là chất béo bão hòa) trong mì chiếm 15%-20%. Trong quá trình sản xuất, mì được chiên trong dầu có chất béo bão hòa ở nhiệt độ cao nên dầu dễ bị ôxy hóa. Nếu dầu dùng để chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ có khả năng tạo ra các chất béo dạng trans (chất béo này có thể gây tăng mức cholesterol xấu trong máu dẫn đến tăng nguy cơ các bệnh tim mạch).
 
Ngoài ra, trong gói gia vị của mì chứa nhiều chất phụ gia, tuy chúng có tác dụng khiến người ăn ngon miệng nhưng sẽ rất nóng, người huyết áp cao hoặc thân nhiệt cao nên dùng ít loại mì có gia vị cay. Gần đây, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm thuộc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh đã phát hiện chất béo dạng trans (còn gọi là trans fat) có trong nhiều sản phẩm mì gói đang tiêu thụ trên thị trường với con số đáng giật mình: 38% mẫu mì gói có chứa trans fat.
 
PGS - TS Phan Thị Sửu cho rằng, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, khi ăn mì ăn liền nên bổ sung rau xanh và các loại đạm từ thịt, trứng để bù đắp lượng vitamin và protein thiếu hụt. Không nên ăn mì ăn liền hằng ngày vì sẽ dẫn đến thiếu vitamin và dưỡng chất, nhất là đối với những người bị bệnh tim mạch. Ngoài ra, do Việt Nam chưa có bất cứ quy định nào về quản lý thực phẩm có trans fat nên người tiêu dùng cần tự bảo vệ bản thân bằng cách chọn mua các sản phẩm của các nhà sản xuất có thương hiệu, nhất là các cơ sở đã áp dụng Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP/ISO 22000.
 
Theo HNM