Có rất nhiều yếu tố hợp thành sự tăng trưởng mạnh mẽ của ASEAN. Ảnh: The ASEAN Post

Vượt qua những thách thức lớn như khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực ASEAN đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1999, tương ứng từ mức 577 tỷ USD của năm 1999 lên thành 2,5 nghìn tỷ USD trong năm 2016, chính thức biến ASEAN thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới.

Nhìn về tương lai, theo nhận định của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ASEAN đã sẵn sàng để duy trì tiến bộ kinh tế mạnh mẽ và ổn định của khu vực với tỷ lệ tăng trưởng trung bình vào năm 2018 khoảng 5,3%. Những con số này có được là nhờ vào một số yếu tố quan trọng bao gồm:

Lực lượng lao động ngày càng phát triển

Từ góc nhìn của nguồn cung, sự mở rộng đáng kể trong lực lượng lao động của ASEAN được ghi nhận là đóng góp không thể thiếu vào tăng trưởng chung của khu vực. Cụ thể, trong vòng 20 năm qua, ước tính có khoảng 100 triệu người đã tham gia vào lực lượng lao động của ASEAN và dự kiến xu hướng này sẽ chỉ phát triển theo quỹ đạo đi lên trong thời gian tới.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ASEAN sẽ chào đón thêm khoảng 59 triệu công dân tham gia vào lực lượng lao động trong năm 2030 – biến khu vực này trở thành nơi có lực lượng lao động tăng trưởng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Ấn Độ. Điều này có nghĩa với khoảng 175 triệu lao động, ASEAN sẽ chiếm 10% lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2030 – cùng lúc sẽ là nơi có lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, sự tăng trưởng của ASEAN cũng được thúc đẩy bởi phân khúc trung lưu ngày càng mở rộng. Theo đó, vào năm 2030, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm khoảng 2/3 dân số toàn khu vực, gấp 2 lần so với mức 29% của năm 2010. Tầng lớp trung lưu ngày càng đông được dự đoán sẽ luôn sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm chất lượng cao, cùng lúc cũng kỳ vọng nhiều hơn vào các lựa chọn mang tính thuận tiện... từ đó hỗ trợ tăng cường nhu cầu đối với các sản phẩm chất lượng tốt trên thị trường. Sự tiêu thụ ngày càng tăng này sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng lao động như tăng cường yêu cầu lao động khi các doanh nghiệp trong tương lai thích nghi với xu hướng thị trường đang dần thay đổi.

Điểm đến đầu tư hấp dẫn và sức mạnh tài chính

Một lực lượng lao động đang phát triển với kỹ thuật và chuyên môn cao cũng được đánh giá là yếu tố thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực. Bất chấp sự biến động về vốn với việc tăng lãi suất ở Mỹ trong thời gian gần đây, triển vọng dài hơi cho thị trường ASEAN vẫn khá tích cực.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và cuộc chiến thương mại không rõ ràng giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), ASEAN sẽ ngày càng hưởng nhiều lợi ích từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thêm vào đó, nợ và thu hồi dự trữ ngoại hối thấp của ASEAN cũng là những yếu tố hỗ trợ khu vực tăng trưởng mạnh mẽ và tránh xa những tác động tiêu cực của biến động thị trường toàn cầu.

Nhìn chung, giữa nhiều lo ngại về suy thoái kinh tế, ASEAN vẫn phát triển khá mạnh mẽ. Song để bảo vệ và chống lại tình trạng không chắc chắn, ASEAN cần phát triển hơn nữa mối liên kết kinh tế giữa 10 quốc gia thành viên để thúc đẩy thương mại và tăng đầu tư. Bất chấp việc ASEAN vẫn là thiên đường cho các nhà đầu tư lạc quan, khu vực cần nhận thức rõ tình hình có thể biến động bất cứ lúc nào.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)