Gia đình đầm ấm của anh Thanh và chị Hà

Những người thợ lành nghề

Lúc mới sinh ra, cơ thể của anh Thanh phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Chẳng may, sau một lần dùng thuốc, cánh tay trái của anh teo lại. Nỗi buồn với số phận dần qua đi, anh chăm chỉ học tập và quyết chí chọn cho mình một nghề phù hợp. Đến năm 2007, anh đăng ký học may công nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thuộc Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh. “Thời gian đầu, việc học rất khó khăn, bởi kỹ thuật may cần sự khéo léo của đôi tay, trong khi tôi sử dụng chủ yếu được bàn tay phải, vậy nên thao tác rất chậm”, anh tâm sự.

Nhờ sự cố gắng và chăm chỉ, anh Thanh tiến bộ từng ngày. Cứ tưởng đàn ông con trai học nghề này cũng chỉ đạt ở mức bậc trung, biết việc, không ngờ anh Thanh may rất khéo léo và còn đạt giải nhì ngành may công nghiệp tại hội thi Tay nghề lao động nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017. Thầy Bảo Tuấn, giáo viên dạy may công nghiệp tại trung tâm, nhận xét: “Thanh may đẹp lắm, từng đường kim mũi chỉ đều sắc sảo, lại nhanh nhẹn, chịu khó nên năng suất làm việc rất tốt”. Sau 7 năm học nghề và làm việc tại trung tâm, cơ hội mở ra khi anh được nhận vào làm việc tại Công ty cổ phần may xuất khẩu Ngọc Châu (huyện Phú Lộc). Sau hơn 3 năm phấn đấu, anh hiện đang giữ vị trí tổ trưởng tổ may của công ty.

Với chị Hà, sau khi học chuyên ngành Mỹ thuật ứng dụng hệ cao đẳng đào tạo từ xa, chị tiếp tục tham gia lớp thêu ren tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật. “Mọi người thường trêu tôi là đi tuyển học viên nhưng hóa ra lại là tuyển vợ”, anh Nguyễn Đình Thanh cười rạng rỡ khi nhớ lại cơ duyên khiến cho mình được quen biết người vợ hiền. Đó là vào năm 2009, khi anh cùng các cán bộ của trung tâm về địa phương tuyển học viên người khuyết tật học nghề tại trung tâm, bị thuyết phục bởi người bạn đồng cảnh ngộ, lại mong muốn có nghề vững vàng để ổn định cộc sống, chị gật đầu đồng ý. Sau khoảng thời gian học nghề 3 tháng, chị ở lại trung tâm làm việc. Hiện nay, chị vừa làm thêu ren vừa hướng dẫn kỹ thuật thêu cho các bạn học viên mới.

Ấm áp

Cả hai vợ chồng anh Thanh, chị Hà đều là những vận động viên năng nổ cho bộ môn cầu lông - hạng thương tật của tỉnh. Từ năm 2011, cả hai đã tham gia thi đấu cho các hạng mục đơn, đồng đội, đôi nam/đôi nữ, đôi nam nữ và giành được rất nhiều các loại huy chương vàng, bạc, đồng. “Những gặp gỡ ban đầu chỉ mới là duyên. Phải đến khi cùng tập luyện chơi cầu lông, chúng tôi trò chuyện với nhau nhiều hơn, từ đó tình cảm nảy nở”, chị Hà bồi hồi nhớ lại. Từ sự đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu, đến năm 2014, mối tình đẹp mở sang một trang mới bằng đám cưới đầm ấm.

Hiện tại, ngoài làm việc chuyên ngành, vợ chồng anh chị còn phát triển kinh tế gia đình bằng việc mở gia trại nuôi 300 con gà. Anh Thanh tâm sự: “Thu nhập của tôi ổn định với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng, thu nhập của vợ hơn 2 triệu đồng/tháng. Gia đình tôi làm thêm kinh tế nhỏ cũng đủ trang trải cuộc sống và chăm sóc, nuôi dưỡng con cái”.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật, nhận xét: “Hai vợ chồng Thanh và Hà đều bị khuyết tật một cánh tay, nhưng người lại giỏi may vá, người thì khéo thêu thùa. Điều đáng trân quý nhất là hai vợ chồng có ý chí nỗ lực, vươn lên để vượt qua nghịch cảnh, cùng nhau xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc”.

Bài, ảnh: Phước Ly