Chuyên gia Nguyễn Việt Đức

Mô hình kinh doanh

Trong một dịp nói chuyện với sinh viên Đại học Huế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Việt Đức, cố vấn cao cấp Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, đã chia sẻ những kỹ năng để gọi vốn hiệu quả; trong đó, yếu tố “nam châm” chính là mô hình kinh doanh.

Theo chuyên gia cố vấn Nguyễn Việt Đức, quá trình trưởng thành của một doanh nghiệp khởi nghiệp gồm các giai đoạn: Tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, tăng trưởng và trưởng thành. Trong quá trình này, có 5 yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý để “khoe” với nhà đầu tư trong quá trình gọi vốn, gồm: Khách hàng là ai, sản phẩm là gì, đội nhóm có những ai, mô hình kinh doanh là gì và tình hình tài chính như thế nào. Mô hình kinh doanh tạo là yếu tố nam châm thu hút các nguồn vốn, bởi nó tạo nên bản sắc, sự khác biệt của riêng nhà khởi nghiệp, là linh hồn để doanh nghiệp khởi nghiệp tồn tại.

Đánh giá tiềm năng tương lai của một doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến các vấn đề, như: sự cần thiết của giải pháp, độ lớn của giải pháp, lợi thế của đội nhóm và cuối cùng là năng lượng của đội nhóm, cách mà các thành viên trong đội nhóm lắng nghe nhau. “Nhưng hãy nhớ, nhiều bạn đã quá say mê khi mô tả sản phẩm của mình cho các nhà đầu tư mà quên rằng đó hoàn toàn không là vấn đề họ quan tâm. Các nhà đầu tư chỉ quan tâm ai là người đã mua sản phẩm của bạn, tại sao mua, nguồn tiền để bạn sản xuất sản phẩm có từ đâu, kênh bán hàng như thế nào và ai là những người đã đi cùng bạn... Nếu thực sự muốn kêu gọi được vốn cho sản phẩm, hãy cho họ thấy mô hình kinh doanh của bạn là gì và điểm khác biệt nằm ở đâu”, ông Đức nhấn mạnh.

Đáng tin và luôn học hỏi

“Bạn có đáng tin hay không?” là góc nhìn của ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam khi các doạn nghiệp khởi nghiệp gọi vốn. Theo ông Hiếu, khi doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu mình với các nhà đầu tư, không có con số đẹp, xấu, mà quan trọng là nó có được thể hiện trung thực hay không. Nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm đến các con số trước khi đưa ra quyết định “xuống tiền”. Nếu những con số không trung thực thì cách các nhà đầu tư dự đoán tiềm năng tương lai của doanh nghiệp khởi nghiệp cũng sẽ bị sai lệch. Nếu nhà đầu tư quan tâm đến một con số nào đó, bạn có câu trả lời nhưng sau đó họ phát hiện con số ấy không đúng sự thật thì quyết định “xuống tiền” không còn giá trị. Do đó, những nhà khởi nghiệp khi gọi vốn có tạo được lòng tin với nhà đầu tư hay không mới là vấn đề quan trọng.

Trước khi gọi vốn từ các nhà đầu tư, nếu doanh nghiệp khởi nghiệp đã có sản phẩm bán ra thị trường thì có nhiều lợi thế hơn hẳn những doanh nghiệp chưa đưa được sản phẩm ra ngoài. Bởi khách hàng chính là minh chứng rõ nhất cho sự chấp thuận của thị trường, độ lớn thị trường cũng như tiềm năng tương lai của doanh nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên Đại học Huế, ông Nguyễn Việt Đức đã ví von: “Trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, nếu có ai đó “ném đá” vào sản phẩm của mình thì các bạn hãy bình tĩnh nhặt những viên đá ấy lên để soi chiếu và chỉnh sửa sản phẩm cho đến khi đủ trưởng thành. Quá trình ấy cũng là cơ hội các nhà đầu tư nhìn thấy sự cầu tiến, tự hoàn thiện không ngừng của nhà khởi nghiệp để xem xét việc đầu tư hay không?”.

Yêu cầu về “tự hoàn thiện không ngừng” trên cũng tương đồng với lời khuyên của chuyên gia Phạm Duy Hiếu đối với các nhà khởi nghiệp khi gọi vốn: “Phải chứng minh được với nhà đầu tư là mình luôn luôn học hỏi. Khả năng học hỏi của bạn mới là yếu tố quyết định”.  Trong một sự kiện liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Phạm Duy Hiếu đã thẳng thắn: Không có nhà khởi nghiệp tuyệt vời nào mà không huy động được vốn. Việc đi gặp rất nhiều nhà đầu tư mà bạn không huy động được vốn tức là bạn chưa đủ tuyệt vời. Sự tuyệt vời ấy phải được thể hiện qua quá trình phát triển, qua cách rút ra bài học sau mỗi lần thất bại. Và để gọi vốn hiệu quả, tốt nhất là nhà khởi nghiệp thể hiện cho nhà đầu tư thấy mình đã tiến bộ như thế nào sau mỗi bài học ấy.

ĐỒNG VĂN