Trải qua hơn 180 năm, điện Phụng Tiên đã được tu bổ nhiều lần nhưng trong chiến tranh đã bị hủy hoại hoàn toàn. Tổng kinh phí để thực hiện dự án bảo tồn phục hồi cổng, bình phong và non bộ hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ hơn 3,4 tỷ đồng.

Đến dự, có ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa. Đại diện nhà tài trợ, có ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam.  

Dự án bảo tồn phục hồi cổng, bình phong và non bộ điện Phụng Tiên được thực hiện trong 13 tháng. Dự án cũng đạt được hai mục tiêu quan trọng là phát triển và áp dụng phương pháp mới để bảo tồn và phục hồi chân xác, thông qua việc sử dụng kỹ thuật nguyên bản trong xây dựng vữa màu và vẽ fresco; đồng thời, xây dựng năng lực cho công tác bảo tồn bền vững các công trình di sản của Việt Nam cho 8 học viên dự án.

Đại biểu tham quan không gian di tích điện Phụng Tiên

Trong hai tháng tiếp theo, các học viên dự án sẽ bảo tồn và phục hồi một chiếc cổng nhỏ của điện Phụng Tiên để chứng minh năng lực áp dụng những kiến thức kỹ thuật họ đã học được. Công việc của họ sẽ được tiến hành với sự tư vấn của Trưởng nhóm dự án người Đức – bà Andrea Teufel và dưới sự giám sát của Cục Di sản Văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Những học viên hoàn thành sẽ được ban giám khảo chuyên môn cấp chứng nhận nhằm xác nhận họ có đủ năng lực bảo tồn và phục hồi các công trình lịch sử. Đây là một bước quan trọng hướng đến công tác đào tạo nhân viên bảo tồn một cách chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Chuyên gia Andea Teufel là trưởng dự án thực hiện tại điện Phụng Tiên, cũng là người đã trực tiếp thực hiện những dự án do Đức tài trợ trước đây tại khu di sản Huế. Bà cho biết: Thách thức lớn nhất của chúng tôi là tìm ra phương pháp bảo tồn những công trình luôn phải dầm mưa dãi nắng này. Và chúng tôi đã thành công trong việc hồi sinh kỹ thuật xây dựng nguyên bản của thời nhà Nguyễn với việc sử dụng vôi màu và vẽ màu theo kỹ thuật fresco, để áp dụng cho việc phục hồi các công trình. Điều mới mẻ ở đây, theo tôi cho tới nay kỹ thuật fresco chưa được áp dụng trong việc phục hồi di tích. Thuận lợi của kỹ thuật này là sử dụng vữa màu và tô màu, vẽ tranh được thực hiện trên chất liệu vữa ướt nên chất lượng tác phẩm sẽ không bị hư hại bởi tác động của thời tiết.

Ngài Đại sứ và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tặng hoa và giấy chứng nhận cho các học viên được đào tạo qua dự án

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này. Ý nghĩa ấy thể hiện ở tính liên tục cũng như hiệu quả cao trong công tác bảo tồn, phục hồi ngoại thất tại khu di sản Huế; đồng thời, khẳng định mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và CHLB Đức nói chung, giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với Đại sứ quán CHLB Đức nói riêng. Ông nhấn mạnh: Tôi rất trân trọng và đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của Bộ ngoại giao CHLB Đức, đặc biệt là ngài Christian Berger – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHLB Đức tại Việt Nam, vì những đóng góp ý nghĩa cho công tác bảo tồn, phục hồi nội và ngoại thất ở các công trình di tích lịch sử của Cố đô Huế trong hơn 15 năm qua.

Đại sứ Christian Berger bày tỏ tình cảm yêu mến đối với thành phố Huế, đồng thời khẳng định cả hai mục tiêu của dự án đã đạt được với kết quả rất thành công. Ngài Đại sứ nói: “Cục Di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là hai đối tác tuyệt vời và đáng tin cậy. Chúng tôi quyết định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện việc bảo tồn di sản văn hóa, mong muốn tạo điều kiện cho những người quan tâm có thể tiếp cận được các hoạt động đào tạo cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn di tích".

Tin, ảnh: Đồng Văn