Các cuộc đàm phán thương mại mới giữa Mỹ-Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các vấn đề nhức nhối. Ảnh: BBC

Theo Bloomberg, các cuộc thảo luận được tiến hành bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, liên quan đến các biện pháp phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, mua bán trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp...

Phái đoàn Mỹ, dẫn đầu bởi Phó đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish, đã đến Trung Quốc một ngày trước đó để hội đàm với các đối tác cấp thứ trưởng của Trung Quốc. Phó Thủ tướng Liu He, nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc với Mỹ, hoan nghênh phái đoàn Mỹ nhưng không trực tiếp tham gia các cuộc thảo luận kéo dài trong 2 ngày 7/1-8/1.

Bất chấp sự vắng mặt của Phó Thủ tướng Trung Quốc và các quan chức cấp cao khác, đây là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý “đình chiến thương mại” vào ngày 1/12/2018.

Hai bên phải đạt được thoả thuận trước hạn chót ngày 1/3 tới, nếu không, phía Mỹ có thể tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức 10% hiện nay lên 25%.

Các thị trường ở châu Á đã tăng vọt vào sáng 7/1 vì kỳ vọng rằng cuộc họp sẽ giúp giải quyết một loạt các vấn đề nhức nhối trong tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.

Theo SCMP, Trung Quốc dường như đã có nhiều động thái để giải quyết căng thẳng thương mại kể từ sau cuộc họp của 2 nhà lãnh đạo ở Argentina, bao gồm nối lại nhập khẩu đậu nành của Mỹ và tạm ngừng áp thuế xe ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Cơ quan lập pháp nước này cũng đưa ra dự thảo luật để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục thực hiện chính sách công nghiệp “Made in 2025”, một sáng kiến ​​mà Mỹ rất quan tâm.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng, những hạn chế về thời gian và một loạt các vấn đề nhức nhối, bao gồm cả những vấn đề mà Bắc Kinh coi là cốt lõi cho sự phát triển của nước này, sẽ gây khó khăn cho việc đạt được thỏa thuận.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Bloomberg & SMCP)