Thật khó tin khi kẻ khởi xướng vụ án cố ý gây thương tích mang tính chất nghiêm trọng lại là một nữ nhi. Càng khó tin hơn khi trong 6 bị cáo thì hết 5 người không hề có mâu thuẫn, thù oán gì với nạn nhân, mà chỉ vì a dua, “giúp bạn”, vẫn sẵn sàng sử dụng những hung khí nguy hiểm như kiếm, mã tấu, dao, rựa, tuýp sắt để đánh người, khiến nạn nhân bị tổn hại sức khỏe 27%. Nếu như lực lượng công an không xuất hiện kịp thời thì hậu quả rất khó lường.
P. và anh Q. (bị hại trong vụ án) có mối quan hệ quen biết. Q. có nợ tiền P. Chiều hôm đó, P. đi chơi ở khu vực gần nhà anh Q. thì bị một số đối tượng lạ đuổi đánh. P. trốn vào nhà Q., nhưng Q. vẫn để các đối tượng vào tìm. Tức bực vì cho rằng Q. không bảo vệ nên mình mới bị đánh, P. kể chuyện này cho T. và nhờ T. gọi người “xả hận” giúp. Hôm đó nhằm ngày mùng một Tết Nguyên đán, T. gọi điện thoại cho một nhóm thanh niên mời đến nhà ăn uống, sau đó “nhờ vả” việc cùng mình đi đánh Q. Cả nhóm đồng ý...
Trong lúc hai bên đánh nhau, Q. bị T. dùng kiếm chém trúng vào người.
Sau khi thẩm vấn bị cáo T., một nữ hội thẩm Nhân dân, thành viên hội đồng xét xử phân tích: “Vào ngày tết cố truyền, lẽ ra là một công dân bị cáo cần có ý thức giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn, để chính gia đình mình, bà con địa phương vui chơi đón tết an toàn, vui vẻ. Đằng này bị cáo lại tỏ ra “anh chị”, đầu gấu, lôi kéo rủ rê người khác; cũng là người chuẩn bị hung khí rồi kéo đi đánh nhau gây thương tích tổn hại sức khỏe bị hại, gây mất trật tự, bất an cho cộng đồng. 4 đứa con của bị cáo, đứa nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi, rất cần sự nuôi nấng chăm sóc của người cha. Trong khi đó, bị cáo lại bị bắt tạm giam, bị tù tội…”.
T. nghèn nghẹn: “Bị cáo sai rồi”. P. thì bật khóc nức nở: “Bị cáo đã biết cái sai của mình, xin hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo hưởng mức án nhẹ nhất, để được sớm trở về nuôi con”.
Hành vi của nữ bị cáo này đáng giận nhưng không ít người cũng chạnh lòng cám cảnh. Bởi vì một mình nuôi con, nên bị cáo tù tội thì những đứa trẻ đã không cha, nay lại vắng mẹ, bơ vơ. “Đứa con út 2 tuổi, nhưng bị cáo đã cho con từ nhỏ chứ không trực tiếp nuôi dưỡng. Cũng vì vậy mà không có căn cứ để cho bị cáo được tại ngoại (theo quy định của pháp luật áp dụng với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi)”- Vị kiểm sát viên thở dài.
Cũng như P., T., những bị cáo khác trong vụ án đều nhận sai, ân hận vì hành vi thiếu suy nghĩ, vi phạm pháp luật, xin hội đồng xét xử cơ hội sớm quay về với gia đình, xã hội. Ngoài hành lang phòng xét xử, có nhiều người vợ trẻ bồng con thơ sốt ruột xen lẫn lo lắng “ngóng” mức án dành cho chồng. Bắt gặp cảnh đó, ánh mắt các bị cáo thêm lần nữa ân hận. Bởi, vì hành vi sai lầm của họ mà vợ, con, gia đình phải khổ.
Quỳnh Anh