Trước khi bước sang một năm mới với sự lạc quan và niềm hy vọng mới, mời độc giả cùng Báo Thừa Thiên Huế số Tết Kỷ Hợi 2019 nhìn lại những sự kiện nổi bật khắc hoạ năm 2018 đáng nhớ ở khu vực châu Á.

 Cuộc gặp lịch sử

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ngày 12/6/2018 ở Singapore là một khoảnh khắc lịch sử, khi Tổng thống Donald Trump bắt tay với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên.    

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AFP

Trước đó, 5 Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã không đạt được sự thành công trong việc khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và căng thẳng ở khu vực Bắc Á đứng trên bờ vực. Nhưng lần này, cuộc họp kín kéo dài 48 phút giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ diễn ra với những nụ cười.

Mặc dù chỉ đưa ra một tuyên bố mơ hồ về phi hạt nhân hóa, nhưng hội nghị được cả hai bên hoan nghênh như một chiến thắng.

Cuộc giải cứu nghẹt thở

Thế giới vui mừng khi 12 cậu bé từ đội bóng Wild Boars được giải cứu từ một hang động bị ngập nước ở phía bắc Thái Lan sau 18 ngày mắc kẹt.

Cuộc đua nghẹt thở với thời gian đã đi vào lịch sử châu Á. Câu chuyện về Wild Boars, với một số cậu bé chỉ mới 11 tuổi cùng huấn luyện viên của chúng đã trở thành tâm điểm của báo chí châu Á trong suốt hành trình giải cứu.

Hơn 10.000 người tham gia vào cuộc giải cứu đội bóng ở hang Tham Luang, Thái Lan. Ảnh: Theworldnews

Cuộc giải cứu quy tụ sự tham gia của hơn 10.000 người từ nhiều quốc gia, với hơn 100 thợ lặn, 900 cảnh sát và 2.000 binh sĩ. Hơn 1 tỷ lít nước đã được bơm ra khỏi hang động.

Khu vực nơi đội bóng được giải cứu hiện là một điểm thu hút khách du lịch. Có tới 16.000 du khách đến khu vực này mỗi ngày.

 “Thảm họa”

Châu Á đã trải qua nhiều thảm kịch đau thương trong năm 2018.

Trong đó, nước lũ từ một đập thủy điện bị vỡ ở Lào đã làm ngập toàn bộ các ngôi làng ở hạ lưu vào tháng 7/2018, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải di dời. Con đập bị vỡ là một phần của dự án thủy điện trị giá 1,2 tỷ USD, là chìa khóa cho giấc mơ thuỷ điện của Lào.

Tháng 10/2018, một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) bất ngờ rơi xuống biển Java, cướp đi mạng sống của tất cả 189 người trên máy bay.

Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết, ít nhất 4.231 người tử vong hoặc được tuyên bố mất tích trong 2.426 thảm họa thiên nhiên xảy ra trên khắp Indonesia trong năm 2018, khiến đây là năm tàn khốc nhất của Indonesia trong hơn một thập kỷ.

“2018 là một năm thảm họa đối với Indonesia. 4.231 là con số tử vong lớn nhất mà chúng tôi phải chứng kiến kể từ năm 2007”, phát ngôn viên của BNPB, ông Sutopo Purwo Nugroho nhận định.

Đầu tháng 12/2018, người dân Nhật Bản chọn chữ “thảm họa” làm ký tự tượng trưng cho năm 2018, sau khi quốc gia này trải qua những cơn bão, lũ lụt và động đất kinh hoàng.

Sự sụp đổ của thị trường tiền điện tử

Năm 2018 chứng kiến vụ sụp đổ tiền điện tử (Crypto) lớn nhất lịch sử. Theo CoinMarketCap.com, sau khi đạt mức cao kỷ lục 835 tỷ USD vào tháng 1, giá trị thị trường của tất cả các loại tiền điện tử đã giảm xuống 140 tỷ USD vào cuối tháng 11/2018.

Kể từ khi giá tăng vọt vào năm 2017, tiền điện tử đã sụt giảm đến 700 tỷ USD, và dường như đà lao dốc sẽ còn tiếp tục. Bitcoin, đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, giảm hơn 80% giá trị so với đỉnh cao vào tháng 12/2017.

Bong bóng tiền ảo đã gây hoang mang cho một số nước châu Á. Hàn Quốc, thị trường giao dịch bitcoin lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Nhật Bản và Mỹ, cảnh báo sẽ đóng cửa tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước do lo ngại rằng cơn sốt có thể gây bất ổn nền kinh tế. Nước này đang đẩy mạnh việc giám sát rộng rãi về giao dịch tiền ảo sau khi xuất hiện những câu chuyện trong năm 2018 rằng nhiều người dân, bao gồm sinh viên, công nhân và các bà nội trợ, đã mạo hiểm khoản tiết kiệm của mình để mua tiền ảo, bất chấp những cảnh báo về tình trạng bong bóng.

Cuộc chiến với rác thải nhựa

Năm 2018, thế giới cũng đối mặt với rất nhiều tin xấu về môi trường như tình trạng chặt phá rừng trái phép, buôn bán động vật hoang dã, san hô bị tẩy trắng ở rạn san hô Great Barrier… Đáng chú ý, rác thải nhựa nổi lên như một vấn nạn nhức nhối toàn cầu.

Theo UNEP, mỗi năm có khoảng 8-13 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển. Ảnh: 7newsplus

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), mỗi năm có khoảng 8-13 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển. Trong khi đó, “hơn 1/4 lượng rác thải nhựa ở đại dương xuất phát chỉ từ 10 con sông, 8 trong số đó nằm ở châu Á”, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có một chút hy vọng khi nhiều nước đã ý thức được tình trạng nghiêm trọng này và triển khai hành động. Thành phố Bogor ở Indonesia đã áp dụng lệnh cấm túi nhựa sử dụng 1 lần và kêu gọi các địa phương khác làm điều tương tự. Theo báo cáo, nhiều thành phố khác như Banjarmasin, Balikpapan, Bali… cũng đã ban hành lệnh cấm.

Đây được coi là một bước đi nhỏ nhưng nhiều tiềm năng cho một vấn đề lớn khi 5 quốc gia châu Á, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan, đã chiếm tới 60% lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương, theo một nghiên cứu năm 2015.

Khép lại một năm 2018 nhiều biến động, châu Á đón chờ năm 2019 với nhiều sự kiện mới, trong đó dự báo vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế 5,8% - mức tăng trưởng được đánh giá là ổn định, theo báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á của ADB đưa ra hồi đầu tháng 12/2018.

Nằm trong top 20 nước có lượng rác thải nhựa lớn nhất toàn cầu, Việt Nam không đứng ngoài cuộc chiến chống lại vấn nạn nghiêm trọng này. Năm 2018, Việt Nam phát động nhiều phong trào chống rác thải nhựa, hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Trong một bài viết đăng tải trên website của mình, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đánh giá cao dự án “Xây dựng mô hình xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt” ở Hội An, trong đó chú trọng việc phân loại rác thải nhựa để đưa vào tái chế. Hay như ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), gần 10 năm nay người dân đã dần chuyển thói quen sử dụng túi nilon sang các vật liệu thân thiện với môi trường như giấy, lá cây… Tại Thừa Thiên Huế, mô hình “Nói không với túi nilon, đi chợ bằng giỏ nhựa” đã được các hội phụ nữ triển khai thực hiện ở khắp 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn nhằm giảm thiểu lượng túi nilon sử dụng hằng ngày.

Tố Quyên – Lê Thảo

(Tổng hợp và lược dịch từ SCMP, The Jakarta Post, Asia News Network, UNDP, Earthday & Báo Thừa Thiên Huế)