Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Thơ, nguyên Giám đốc điều hành Khu du lịch Bà Nà Hills cho hay: “Mỗi năm chúng tôi nhận 3 đợt với tổng số trên 300 sinh viên Khoa Du lịch Huế vào thực tập, mỗi em làm 2 tháng. Các em có kiến thức, kỹ năng rất tốt, kỹ năng nói tiếng Anh tốt, ý thức làm việc nghiêm túc, chịu khó. Đến bây giờ, Khu du lịch Bà Nà Hills chỉ nhận sinh viên của Khoa Du lịch Huế vào thực tập mà không nhận sinh viên những nơi khác. Hiện đã có 10 em là sinh viên của Khoa Du lịch Huế được nhận vào làm nhân viên chính thức ở Khu du lịch Bà Nà Hills”.

Sinh hoạt ngoại khóa trang bị kiến thức mềm cho sinh viên Khoa Du lịch Huế

Năm 2014, Khoa Du lịch - Đại học Huế tuyển sinh 550 chỉ tiêu. Trong đó ngành Kinh tế (có 1 chuyên ngành là Kinh tế du lịch) tuyển 50 chỉ tiêu; ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (có 2 chuyên ngành là Quản lý lữ hành và Hướng dẫn du lịch) tuyển 250 chỉ tiêu (trong đó có 50 chỉ tiêu đào tạo tại Phân Hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị); ngành Quản trị kinh doanh (có 5 chuyên ngành là Quản trị kinh doanh du lịch, Tổ chức và quản lý sự kiện; Truyền thông và marketing du lịch dịch vụ; Thương mại điện tử du lịch dịch vụ; Quản trị quan hệ công chúng) tuyển 250 chỉ tiêu.

Khoa Du lịch Huế đào tạo 3 ngành gồm Kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành và Quản trị kinh doanh. Điểm khác biệt so với ngành Quản trị Kinh doanh ở những nơi khác là ngành Quản trị kinh doanh ở Khoa Du lịch Huế được thiết kế theo hướng các chuyên ngành sâu để nhằm trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức chuyên sâu cần thiết - điều mà nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đang đòi hỏi cao. Ngoài chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Du lịch, Khoa có các chuyên ngành: Tổ chức và quản lý sự kiện; Truyền thông và marketing du lịch dịch vụ; Thương mại điện tử du lịch dịch vụ; Quản trị quan hệ công chúng. Theo PGS.TS.Bùi Thị Tám, đây là những ngành mới, tập trung đào tạo kỹ năng và kiến thức chuyên sâu, do vậy sẽ lấp được lỗ hổng của thị trường hiện nay, đó là các em chỉ biết chung chung còn kiến thức chuyên sâu thì không có. Những chuyên ngành này mới nhìn qua tưởng thị trường việc làm sẽ hẹp vì quá chuyên ngành sâu nhưng thực chất đó là cách để tạo cơ hội việc làm cho các em nhiều hơn. Thực tế hiện nay là các em tốt nghiệp ra trường cái gì cũng biết mà không sâu, chỉ chung chung nên doanh nghiệp phải bỏ kinh phí đào tạo bổ sung, lãng phí thời gian và tiền bạc.

Cũng theo PGS.TS.Bùi Thị Tám, để có cơ hội việc làm cao hơn, việc trang bị kỹ năng, kiến thức chuyên sâu, khả năng thích ứng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình rất quan trọng. Quá trình giảng dạy, Khoa đã linh động bớt thời lượng các học phần mang tính hàn lâm, dành thời lượng đáng kể cho các học phần bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức chuyên sâu nói trên và thời gian thực tập nghề, thực tập quản lý ở các doanh nghiệp.
Về những ngành đào tạo của Khoa có nhu cầu việc làm cao trong thời gian qua, PGS.TS.Bùi Thị Tám cho hay, ngành Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành có số lượng thí sinh thi đông và đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất của Khoa Du lịch Huế (năm ngoái: Khối A và A1: 16,5 điểm; Khối C: 18,5 và Khối D: 17,5 - PV). Trong số những ngành đào tạo đại học, Khoa chú trọng 5 chuyên ngành mới là: Quản lý lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Tổ chức và quản lý sự kiện; Truyền thông và marketing du lịch dịch vụ; Quản trị quan hệ công chúng.
Sắp tới, để tạo cơ hội cho người học có thể học tập cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu hiện nay, Khoa Du lịch Huế đang khẩn trương xúc tiến, chuẩn bị hồ sơ để mở ngành thạc sĩ Quản lý lữ hành và Hướng dẫn du lịch. Hiện Khoa đã hoàn thành các bước trao đổi và đàm phán liên kết với Đại học Tự do Bruxelles của Bỉ để đào tạo thạc sĩ về Quản lý Du lịch và sẽ chính thức ký kết trong tháng 4-2014. Khoa đã có dự án được tài trợ bởi Cơ quan DAAD của Cộng hòa Liên Bang Đức (giai đoạn 2014-2017) để hoàn thiện chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị du lịch bền vững với Đại học Greiswall, Cộng hoà liên bang Đức. Cả hai chương trình này đều được đào tạo bằng tiếng Anh 100%.
Ngọc Hà