Sau chặng đường băng qua những bờ tre, đồng ruộng, ngôi nhà nhỏ hiện ra, với vẻ tĩnh lặng, hiền hòa bên dòng sông  Phổ Lợi. Qua khung cửa, người nghệ nhân già một mình cặm cụi theo từng nét in cho những bộ lịch tết đã được đặt hàng. Một công việc mà ông bảo, phải làm bằng cả cái tâm.

Câu chuyện về nghề mỗi lúc một ‘‘say” bên chiếc bàn gỗ kê trong cái lán tre đã quen thuộc với bao du khách qua mỗi kỳ festival. Cả bụi chuối ló bông, hàng dâm bụt quanh ngôi nhà cũng nguyên vẹn hơi thở của làng. Và cái sân đất, qua thời gian đã lên nước nhẵn bóng. Sau những cơn mưa, mặt sân bám rêu xanh với vẻ ẩm ướt, trơn trượt.

Nhìn khách rón rén chân trên cái sân đất sợ ngã, chủ nhà giãi bày: “Tui tính mấy lần lát cái sân gạch cho nó sạch. Nhưng sợ cái sân đất không còn thì du khách đến xem tranh, xem nghề cũng hụt hẫng”. Có lẽ với ông Phước, cái sân đất trước ngôi nhà của mình cũng gắn bó thâm sâu như chính nghề in tranh mộc bản đã được kế nghiệp nhiều đời.

Nhìn cái sân đất nguyên thủy phủ rêu trong những ngày mưa, tôi lại nhớ đến cái sân đất của mình ngày bé. Hồi ấy, những ngôi nhà ở làng đều được đắp nền, lát sân bằng thứ đất thịt lấy từ ruộng. Những thớ đất đen bóng, mịn màng được xắn thành khối, gánh trong rổ, đem về đằm nền nhà. Qua thời gian, đất lên nước đen bóng, mát rượi. Mùa hè, đi chân đất, nghe cái mát thấm từ gan bàn chân, có khi lạnh đến rùng mình. Cái sân đất cũng thật hữu dụng vào vụ mùa, là nơi phơi khoai, phơi sắn. Là nơi để trâu đạp lúa. Là nơi lũ trẻ chơi trốn tìm...

Nhưng cái sân đất lại kỵ nhất mùa mưa. Sau những cơn mưa dầm dề, lê thê, mặt sân lên rêu trơn như mỡ. Có lẽ vậy, cùng với sự thiếu thốn mà dân làng ngày ấy chẳng mấy người có dép. Đi qua cái sân đất phải bấm chặt mười đầu ngón chân để khỏi ngã. 

Bây giờ, có lẽ, cái sân đất ở nhà nghệ nhân Phước đã là di sản. Bởi ở làng, không còn mấy ai giữ lại cái sân đất một thời hữu dụng đã trở nên lạc hậu.

Cho nên, ghé về làng Sình, ghé về thăm người nghệ nhân làng tranh dân gian ấy, còn có thêm một ký ức được lưu giữ, về cái sân đất thô sơ, mộc mạc ngày xưa của những thế hệ công dân của làng...

Tiểu Muội