Phân khúc thiết bị chế biến bánh dự kiến tăng trưởng nhanh nhất đến năm 2025. Ảnh: Jumpic

Nhận định trên được đưa ra trong một báo cáo do hãng nghiên cứu Allied Market Research công bố, có tiêu đề: "Thị trường thiết bị chế biến thực phẩm Đông Nam Á theo loại (Thiết bị chế biến thịt, gia cầm và hải sản; Thiết bị chế biến bánh, Thiết bị chế biến đồ uống, Thiết bị chế biến sữa, Thiết bị chế biến chocolate và kẹo mứt; Thiết bị chế biến trái cây và rau củ; và Thiết bị chế biến các loại thực phẩm khác): Phân tích cơ hội và dự báo ngành trong giai đoạn 2018-2025".

Báo cáo cung cấp cái nhìn sâu sắc về các phân khúc thị trường chính, những gói đầu tư hàng đầu, định vị các bên tham gia chính, động lực và cơ hội, cũng như những phát triển chiến lược trong ngành này. Theo đó, thị trường thiết bị chế biến thực phẩm khu vực Đông Nam Á được ổn định ở mức 993,9 triệu USD và dự kiến sẽ chạm mốc 1.434,9 triệu USD đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) là 4,7% trong giai đoạn dự báo.

Các lựa chọn thiên về thực phẩm chế biến đang gia tăng, bên cạnh sức tăng của thu nhập khả dụng và nhu cầu cấp thiết để thay thế thiết bị cũ là những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường thiết bị chế biến thực phẩm Đông Nam Á. Tuy nhiên, chi phí máy móc cao, các quy định nghiêm ngặt, và những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng góp phần tạo ra sự cản trở đối với sự tăng trưởng của thị trường. Dù vậy, sự gia tăng trong nhu cầu đối với thực phẩm chế biến chất lượng ở một số quốc gia Đông Nam Á phát triển dự kiến ​​sẽ đem đến cơ hội sinh lời cho các bên tham gia thị trường trong tương lai gần.

Trong số những phân khúc được phân tích, phân khúc thiết bị chế biến bánh được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh nhất đến năm 2025, với tốc độ CAGR nhanh nhất ở mức 6,3% trong giai đoạn 2018-2025, do sự thay đổi trong lối sống và thu nhập khả dụng cao của người dân.

Xét theo từng quốc gia, Indonesia sẽ mở ra cơ hội sinh lời trong ngành này đến năm 2025. Số liệu trong năm 2017 cho thấy, Indonesia chiếm thị phần lớn nhất, đóng góp khoảng 41% vào tổng thị trường, nhờ cơ cấu dân số lớn thuộc thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000) áp dụng thói quen ăn uống ở nước ngoài. Hơn nữa, thị trường này cũng được dự báo ​​sẽ đạt tốc độ CAGR nhanh nhất ở mức 5,2% trong khoảng thời gian được nghiên cứu.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ AEC News Today & Prnewswire)