Minh họa |
Để giảm lượng mỡ này, trước tiên cần hạn chế các chất dầu mỡ (nhất là mỡ động vật) trong thức ăn hàng ngày. Điều này sẽ làm cho lượng mỡ trong máu giảm, lượng mỡ vận chuyển qua gan giảm, giảm gánh nặng cho gan; giúp gan chuyển hóa lượng mỡ còn tồn đọng tốt hơn, đồng thời vận chuyển lượng mỡ thừa tích tụ trong gan đưa vào máu và thải ra ngoài cơ thể. Thay vì mỡ động vật, nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu olive, dầu đậu phộng… Đây là những loại dầu có chứa “acid béo không no”, có khả năng làm giảm lượng cholesterol trong máu.
Kiêng ăn các loại phủ tạng động vật, da động vật, lòng đỏ trứng… vì có chứa nhiều cholesterol. Như vậy, chỉ riêng việc giới hạn lượng mỡ đưa vào cơ thể sẽ làm giảm dần lượng mỡ thừa trong gan, ổn định mỡ máu trong trường hợp mỡ máu cao, phòng ngừa hoặc làm ổn định bệnh xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì…
Không nên ăn thịt nhiều, đặc biệt là các loại thịt đỏ vì chất đạm (protein) cũng sẽ phải chuyển hóa ở gan, làm tăng gánh nặng cho gan. Ăn nhiều cá tươi, nhất là những loại cá được đánh bắt dưới sông. Nhộng tằm là một loại thức ăn cần thiết trong các trường hợp gan nhiễm mỡ vì có tác dụng giảm cholesterol và cải thiện chức năng gan.
Ăn nhiều rau củ quả, trái cây. Nên ăn một số loại rau như rau ngót, cần tây, diếp cá, rau lang… Dùng bông actisô tươi hầm với tàu hũ ky, nấm hương… thì vừa ngon, vừa bổ mà lại tốt cho gan. Các loại đậu đều tốt. Đối với đậu phộng, nên dùng với số lượng vừa phải vì có thể gây nê trệ, khó tiêu. Khi ăn phải tách đôi hạt đậu phộng, nếu thấy có nấm mốc ở giữa hạt đậu thì không được ăn vì dạng nấm này độc, gây hại cho cơ thể.
Nếu trong người thấy nóng, bứt rứt, nên hạn chế các loại gia vị có tính cay, nóng như tỏi, tiêu, ớt, gừng, riềng… Nên ăn các loại trái cây chín, đặc biệt là cam, chanh, bưởi, nho, táo. Những trường hợp gan nhiễm mỡ có kèm viêm gan vừa hoặc nặng, nên cẩn thận khi ăn những loại trái cây có chứa nhiều năng lượng và khó tiêu như sầu riêng, mít… Có thể sử dụng một số loại trà như trà actisô, nhân trần, trà xanh, trà hoa cúc… Không uống rượu bia và hút thuốc lá. Tránh ăn, hoặc uống quá nhiều đồ ngọt, đồng thời nhớ bổ sung đầy đủ nước, các loại vitamin và khoáng chất.
Trong giai đoạn đang bị bệnh gan nhiễm mỡ có kèm viêm gan, phải giảm áp lực công việc, tránh những công việc nặng nhọc. Cần làm việc, nghỉ ngơi một cách hợp lý. Đi bộ đều đặn, có thể tập luyện những môn thể thao vừa sức, tập yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh.
Bên cạnh đó cần nhớ những loại thuốc có thể gây bệnh gan nhiễm mỡ như aspirin, corticosteroid, tamoxifen, tetracyclin, amiodarone, diltiazem, các thuốc estrogen tổng hợp… Trong trường hợp bắt buộc phải dùng những loại thuốc này thì cần theo dõi thật kỹ phản ứng gây thoái hóa mỡ ở gan để kịp thời ngưng thuốc.
Hiện nay có nhiều loại thuốc Tây y cũng như Đông y có khả năng điều trị được tình trạng gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên khi dùng những loại thuốc điều trị gan nhiễm mỡ phải đúng chỉ định cũng như phù hợp với từng giai đoạn và thể bệnh tương ứng của từng bệnh nhân. Vì thế bệnh nhân cần được các thầy thuốc chuyên khoa thăm khám và kê toa, đồng thời phải được theo dõi tình trạng nhiễm mỡ, viêm, xơ của gan qua việc thăm khám lâm sàng và những xét nghiệm cận lâm sàng định kỳ để điều chỉnh thuốc hợp lý.
Những người nghiện rượu bị gan nhiễm mỡ có kèm viêm tế bào gan muốn điều trị bệnh lý về gan không còn cách nào khác là phải kiêng ngay rượu bia. Nếu chủ quan xem thường thì chuyện xơ gan xảy đến là điều tất yếu.
Khi uống rượu, 80% lượng rượu sẽ được hấp thu ở dạ dày và phần trên của tá tràng, 20% được hấp thu ở ruột. Rượu sẽ theo tĩnh mạch cửa đến gan, 90% lượng rượu được chuyển hóa tại gan, phần còn lại được thải qua phổi và thận. Lượng rượu được chuyển hóa tại gan sẽ qua hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, gan chuyển hóa rượu thành acetaldehyde, đây là một chất độc hại nên gan phải cố gắng chuyển hóa chất này thêm một lần nữa thành acetate để thải ra ngoài. Như vậy, khi uống một lượng lớn rượu bia vào cơ thể, chúng ta đã trực tiếp hành hạ lá gan của mình, bắt gan ráng hết sức để khử độc. Mỗi lần như thế gan làm việc đến cạn kiệt, các tế bào gan bị tổn thương, điều này thể hiện ra ở các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy có hiện tượng viêm và tiêu tế bào gan như SGOT, SGPT… đều tăng cao hơn bình thường sau khi uống nhiều rượu bia!
Nếu chúng ta vẫn tiếp tục uống nhiều rượu bia, đến một ngày không xa, gan không chịu nổi, sẽ bị tổn thương, thoái hóa mỡ, viêm gan, sau đó chuyển thành xơ gan. Khi đến giai đoạn nặng - xơ gan do rượu - nhiều bệnh nhân (có người còn rất trẻ) mới hối hận, nhưng lúc này chẳng còn phép lạ nào có thể cứu chữa nổi. Nếu bỏ được rượu bia, đồng thời kết hợp với những phương thức điều trị thích hợp như đã trình bày ở trên thì những trường hợp thoái hóa mỡ và viêm gan do rượu sẽ được cải thiện, đôi khi lành bệnh hoàn toàn.
Bệnh nhân bị béo phì thường bị gan nhiễm mỡ. Muốn điều trị bệnh gan nhiễm mỡ ở người béo phì, cần điều trị giảm cân cùng một lúc. Tuy nhiên, khi điều trị giảm cân, cần chú ý không được giảm cân quá nhanh. Bởi khi giảm cân quá nhanh (nhịn đói, khẩu phần ăn quá ít năng lượng hay năng lượng rỗng…), cơ thể sẽ bù trừ bằng cách huy động lượng mỡ thừa trong các mô mỡ dự trữ rồi đưa vào máu dưới dạng các acid béo tự do.
Các acid béo này sẽ tràn ngập trong máu, sau đó đi qua tĩnh mạch cửa để vào gan; lúc ấy gan sẽ bị quá tải khi nhận một lượng lớn acid béo, không chuyển hóa nổi và chúng sẽ tích trữ ở gan làm cho gan bị nhiễm mỡ hay làm cho tình trạng nhiễm mỡ gan đã có sẵn từ trước nặng thêm! Điều trị giảm cân đúng cách là tiết thực và vận động hợp lý để giảm cân một cách từ từ. Tất cả những phương pháp giảm cân nhanh chóng đều gây hại cho gan và cho sức khỏe nói chung.
Đối với những trường hợp bệnh lý mãn tính về đường tiêu hóa phải được điều trị tích cực để cải thiện chức năng tiêu hóa. Bởi nếu không thể hấp thu đầy đủ thức ăn để nuôi cơ thể, cơ thể sẽ bị suy dinh dưỡng, lúc đó chức năng của gan sẽ bị rối loạn và có thể xuất hiện tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm, xơ… Những trường hợp bị tiểu đường, xơ vữa động mạch cũng phải tích cực điều trị cho ổn định để hạn chế tình trạng nhiễm mỡ của gan.
Không được coi thường bệnh gan nhiễm mỡ, ngay cả những trường hợp nhiễm mỡ đơn thuần, bởi có thể đó là bước khởi đầu của những chứng bệnh về gan rất nặng nề sau này. Khi điều trị nên điều trị một cách tích cực, uống thuốc đúng liều và đủ thời gian theo chỉ định của thầy thuốc. Bên cạnh đó cần tuân thủ việc ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, tập luyện cơ thể, tập luyện tinh thần, thư giãn… đồng thời phải nhất quyết nói không với rượu bia và những thức uống có cồn khác. Làm được những điều đó thì chuyện lành bệnh gan nhiễm mỡ nằm trong tầm tay của mọi người.
BS Lê Hùng – nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM
(Theo TBKTSG)