Tôi không sống ở khu vực này, nên không rõ các hộ dân ở đó có thực hiện theo đúng yêu cầu ấy hay không. Sự vội vã trong một chiều mưa lướt thướt không đủ để quan sát mọi thứ, nhưng dòng chữ ấy làm tôi nhớ những ngày đã thuộc về rất lâu, khi tôi và các anh chị của mình được phân công đổ rác hàng ngày và việc đó chỉ được phép thực hiện khi có tiếng kẻng của những người công nhân vệ sinh. Thường là vào khoảng chập tối, trong khoảng thời gian từ 18-20 giờ.

Theo quan sát của tôi ở nơi mình đang sống thì khung giờ thu gom rác của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế gần như không thay đổi. Có chăng, chỉ là dao động trong một biên độ rất nhỏ. Tuy nhiên, việc đổ rác của người dân hàng ngày gần như đã không thể kiểm soát được. Họ có thể bỏ rác vào các điểm tập kết bên đường vào bất cứ lúc nào. Thế nên, hàng ngày khi lưu thông trên đường, người ta có thể gặp những thùng rác các loại đầy ngập và rơi vãi ra ngoài, rất phản cảm và mất vệ sinh. Vấn đề là điều này đã được xem như là quá đỗi bình thường. Nhưng chính những điều tưởng như rất bình thường ấy, đã trở thành một tác nhân làm xấu đi hình ảnh của thành phố, vùng dân cư và cả ý thức văn hóa cộng đồng của từng cá nhân cụ thể.

Không biết có ai nghĩ đó chỉ là chuyện của rác thôi. Có gì mà nghiêm trọng? Tôi nhớ đã không dưới hai lần, vấn đề này đã được ông Nguyễn Duy Thăng – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đưa vào nghị trường, chỉ với một đề nghị là làm thế nào để người dân giữ vệ sinh không gian trước cửa nhà mình? Có giải pháp chế tài gì đối với những người thiếu ý thức, đổ rác lung tung làm ô nhiễm môi trường sống cũng như môi trường văn hóa của thành phố? Giá như mỗi hộ gia đình tự lo được khoảng đường trước mặt nhà mình, đổ rác đúng nơi, đúng giờ quy định thì không những phố quang, nhà đẹp, người văn minh mà thành phố cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Cái ước mong đơn giản ấy, cho đến nay vẫn chưa nhân rộng ra được và cũng mới chỉ khu trú ở một tỷ lệ nào đó rất nhỏ. Người ta gọi đó là một nỗi phiền của thành phố.

Điều này làm người ta suy nghĩ hoài khi chỉ cuối tháng 1 năm (vừa) ngoái, cùng với Hội An và Đà lạt, danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018-2020 đã thuộc về TP. Huế tại Diễn đàn du lịch ASEAN 2018 và Hội chợ quốc tế Travex. Trong 7 tiêu chí để đạt được danh hiệu này, có việc quản lý môi trường chung; đường phố sạch sẽ, vệ sinh; chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đường phố…

Sự công nhận này đồng thời cũng là một giá trị để mang Huế đi xa hơn trong việc quảng bá, xây dựng hình ảnh, góp phần vào phát triển thương hiệu du lịch địa phương trong việc hướng đến một giá trị bền vững. Nhưng cũng cần phải thấy rằng, đây là một thương hiệu có thời hạn. Có nghĩa là, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân và những nỗ lực để làm thay đổi cách hành xử với không gian, môi trường sống.

Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể thay đổi, vậy tại sao lại không để Huế không chỉ đẹp hơn trong mắt du khách mà còn trong lành hơn ở mỗi ngày của cuộc sống?

KHANG NHIÊN