Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước in tranh mộc bản

UNESCO từng đặt hàng 

Cuối năm, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước khá bận rộn với công việc in tranh phục vụ nhu cầu trang trí dịp tết. Trong căn nhà nhỏ ở xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), nhắc chuyện nghề, người đàn ông vốn kiệm lời ấy bỗng sôi nổi khi nhớ về lần in tranh cách đây gần 15 năm.

Khi ấy, qua giới thiệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (nguyên Giám đốc Phân viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam tại Huế), các chuyên gia của UNESCO tìm về làng Sình, gặp ông để đặt 50 bức tranh. “Họ nói đã nghe về kỹ thuật in tranh mộc bản truyền thống của làng Sình nên muốn có tranh để nghiên cứu, lưu giữ”, ông Phước kể.

Khi ấy, nghề in tranh dân gian làng Sình đã được khôi phục. Nhưng việc tìm nguyên liệu tạo màu tự nhiên cho tranh rất gian nan. Nghệ nhân Phước cũng là người duy nhất của làng còn nắm giữ bí quyết, được trao truyền từ gia đình có truyền thống 9 đời in tranh mộc bản.

Theo ông Phước, tranh làng Sình được phối màu theo thuyết Ngũ hành (kim-mộc-thủy-hỏa-thổ), tương ứng với 5 màu (vàng-tím-xanh-đỏ-cam). Để có màu tím thì dùng quả mồng tơi chín. Màu cam thì từ những viên gạch mục. Riêng màu vàng, xanh và đỏ thì phải vào rừng, hái lá đung phơi khô nấu với búp hoa hòe trong 15 phút thì cho màu vàng. Dùng rễ, thân, lá, hoa cây dành dành nấu trong 12 giờ đồng hồ thì cho màu xanh. “Cây dành dành không đến nỗi hiếm nhưng lạ một điều là phải tìm được cây mọc ở lòng suối. Lấy đủ cả 4 bộ phận (rễ, thân, lá, hoa). Muốn tìm được cây phải đợi đến tháng tư, là thời điểm duy nhất trong năm cây dành dành ra hoa”, ông Phước đúc kết.

Riêng với màu đỏ, phải dùng rễ cây vang, đập nát, đem nấu liên tục trong 5 ngày, 4 đêm. Việc tìm được cây vang không dễ nên sau gần 2 tháng săn lùng, cuối cùng, ông Phước đã tìm được một cây vang ở đồi Châu Ê (ở phía tây TP.Huế), từ manh mối một người dân bản địa. 

Tìm được nguyên liệu, pha màu, in xong tranh đúng như đặt hàng, ông Phước thấy như mình vừa hoàn thành một trọng trách lớn. Riêng các chuyên gia UNESCO, họ đã lặng đi trước vẻ đẹp mộc mạc, dung dị của bộ tranh dân gian làng Sình với kỹ thuật in cổ trên các bản khắc gỗ được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Theo thời gian, do khó khăn trong tạo màu tự nhiên, hiện, nghề in tranh dân gian ở làng Sình chủ yếu dùng màu công nghiệp. Bởi vậy, theo nghệ nhân Phước, có thể, 50 bức tranh mà UNESCO đặt hàng, là những bức tranh cuối cùng ở làng Sình được thực hiện bằng phương pháp tạo màu tự nhiên.  

Đào hầm in tranh

Năm 2016, làng Sình vinh dự đón bằng công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Hiện, ở đây có khoảng 30% số hộ dân sống bằng nghề in tranh thờ cúng và tranh trang trí.

Với nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, đó là niềm vui lớn nhất của ông. Không còn nỗi lo mai một bởi ít ai hay, có thời điểm, nghề làm tranh ở đây từng đứt đoạn trong hai thập kỷ.

Ông Phước chưa quên thời điểm sau 1975 đến 1996. Khi ấy, đất nước vừa thống nhất, kinh tế khó khăn. Tập trung cho sản xuất và chống lãng phí, chống mê tín dị đoan, nghề in tranh ở làng Sình (chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tâm linh) bị cấm. Hầu hết khuôn gỗ in tranh đều bị tịch thu, tiêu hủy.

Để tránh bị tịch thu, tiêu hủy, ông Phước bí mật gói hơn 20 tấm mộc bản xưa của gia đình vào bao ni-lông, chôn xuống đất. Sau đó vài năm, ông lại bí mật đào hầm sau vườn, cho người canh gác để lén in tranh. Để bán được tranh, ông giấu vào người, bên trong chiếc áo ấm dày, đi xe đạp, gõ cửa từng nhà ở các huyện lân cận như Phong Điền, Quảng Điền. “Thấy tôi giữa mùa hè mà mang áo ấm, lại "lén lút" đến gõ cửa nhà dân vào giữa trưa, ban đêm, nhiều người tưởng tôi bị tâm thần. Khi biết tôi bán tranh bị cấm, họ rất sợ. Sợ nhưng vẫn mua. Khi ấy, tôi nhận ra, việc sử dụng tranh làng Sình vẫn là nỗi khao khát”, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước nhớ lại.

Đến  năm 1996, khi có chủ trương khôi phục lại các giá trị truyền thống, trong đó có tranh làng Sình thì cả làng, không một ai ngoài ông Phước còn giữ được khuôn in. Để gầy dựng lại nghề, ông Phước lại cất công khắc những bộ mộc bản mới, đến từng nhà cho người dân mượn, rồi động viên, khích lệ.

Dần dần, số hộ dân trở lại với nghề xưa tăng lên. Đến nay, cả làng có khoảng 70 hộ dân làm nghề. Nghề cũng đã lan tỏa đến các làng khác, với khoảng gần 200 hộ dân khắp xã Phú Mậu. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, tranh làng Sình nay đã mở rộng đến Thanh Hóa, Bình Định. Ngoài tranh thờ cúng, tranh trang trí làng Sình  trở thành sản phẩm du lịch, bán rất chạy mỗi dịp tết, trong đó có lịch treo tường.

Mới đây, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã trao 25 bản khắc cổ từng chôn giấu dưới đất năm xưa, phục vụ cho việc trưng bày tại  Bảo tàng Mỹ thuật Huế khi hình thành. 

Phục hồi kỹ nghệ giấy dó

Ở tuổi 70, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã ấp ủ và đang triển khai dự định mới cho làng nghề. Đó là phục dựng kỹ nghệ chế tác giấy dó- nguyên liệu in tranh.

Ông Phước nhớ, khi còn nhỏ, có thấy việc ông cố của mình làm giấy dó, trên những chiếc khay. Không rõ vì sao, sau này, nghề làm giấy không còn. Người dân làng Sình in tranh phải mua giấy tận Bắc Ninh, với giá khá đắt, khi mua đếm từng tờ, mỗi tờ (rộng30cm x 50cm) mất 30.000 đồng.

Trăn trở, ông Phước ra tận Bắc Ninh, xem người ta làm giấy như thế nào. Biết được giấy làm từ gỗ trầm gió nấu chín trong nước vôi, đem xay nhuyễn rồi tráng vào khay, về nhà, ông ăn không ngon ngủ không yên, đi tìm gỗ, dùng máy sinh tố xay thành bột, rồi tráng thử nghiệm thành công.

Lần tìm được nguồn gỗ trầm gió tận xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) được người ta cho không, ông bèn xây dựng đề án, xin vốn khuyến công tỉnh hỗ trợ, sắm máy xay, thùng, chậu, khay... để phục hồi nghề làm giấy đã thất truyền.

Ông Phước cho hay, đề án đã được duyệt, sẽ triển khai trong năm 2019. “Khi ấy, tranh làng Sình sẽ cạnh tranh tốt hơn về giá vì tôi tính toán, nếu tự sản xuất, chi phí mỗi tờ giấy chỉ 5.000 đồng, rẻ hơn mua đến 25.000 đồng”, nghệ nhân Phước tiết lộ.

Khi khâu chế tác giấy được thực hiện, nghề in tranh dân gian làng Sình xem như đã được bảo tồn trọn vẹn sau hàng trăm năm hình thành.

Riêng với nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, điều ông rất vui là bây giờ, mỗi khi ra đường, gặp, dân làng cứ gọi ông là “anh Công”. Đó  như là sự tri ân công lao của một nghệ nhân có công giữ được nghề truyền thống cha ông để lại.

Bài, ảnh: Tiểu Muội