Thỏa thuận mở rộng Hiệp ước Elysee đã được chính phủ hai nước thông qua và sẽ được Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký kết tại thành phố biên giới Aachen của Đức vào ngày 22/1 tới.
Theo tiết lộ của Reuters, thỏa thuận trên tuyên bố "hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các mặt ngoại giao, quốc phòng, an ninh trong và ngoài nước cũng như phát triển, đồng thời củng cố năng lực hành động độc lập của châu Âu."
Đức và Pháp sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như chống lại những tư duy muốn làm "xói mòn" EU của các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu.
Hiệp ước nhấn mạnh tới tăng cường hợp tác giữa lực lượng tình báo và cảnh sát hai nước trong các nỗ lực chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. Bên cạnh đó là thúc đẩy sự hội tụ về mặt kinh tế, hướng tới xây dựng một khu vực kinh tế Pháp-Đức với các quy định và luật pháp kinh tế chung. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thành lập một ủy ban chuyên gia để đưa ra các khuyến nghị kinh tế cho chính phủ từng nước.
Từ Paris, Văn phòng của Tổng thống Macron tuyên bố việc mở rộng Hiệp ước Elysee sẽ giúp cả hai cường quốc EU ứng phó với "các thách thức của thế kỷ 21."
Paris hoan nghênh thỏa thuận này sẽ giúp thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của người dân hai nước trong khuôn khổ một EU dân chủ, đoàn kết và tự chủ hơn.
Vào ngày 22/1/1963, tại Điện Elysee ở Paris, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã ký Hiệp ước hợp tác Pháp-Đức nhằm thể hiện nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước về một quan hệ đối tác hợp tác bền vững.
Hiệp định mang tính bước ngoặt, được coi là nền tảng cho sự hòa giải này trải rộng trong các lĩnh vực hợp tác song phương từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, với mục đích cuối cùng là thiết lập mối quan hệ hữu nghị ổn định, mật thiết giữa Pháp và Đức nói riêng, đồng thời vun đắp và phát triển một châu Âu thống nhất, hòa bình nói chung.
Hiệp ước hữu nghị Đức-Pháp được ký kết với 3 trụ cột gồm tạo cơ chế tham vấn giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Đức cũng như lãnh đạo các bộ, ngành; thảo luận về tất cả các lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại, châu Âu và quốc phòng, khi cần hai bên có thể đưa ra quan điểm chung; cùng quan tâm tới vấn đề giáo dục và thanh niên-lực lượng làm cầu nối cho tương lai hai nước.
Kể từ khi ra đời hiệp ước trên, hợp tác Đức-Pháp đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của hai nước, trở thành động lực cho sự hợp nhất châu Âu.
Theo Vietnam+