Tháng Chạp về, từng cơn gió bấc lao xao mang theo cái se lạnh len vào hồn người trải dài trên con phố vắng. Mùa này ở quê chắc mạ đang tất bật với luống rau củ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán gần kề. Rồi khi trưa về và chiều tà tới, mạ lại vội vàng vào bếp chuẩn bị cơm nước cho gia đình. Mâm cơm những ngày này chắc hẳn sẽ không thể thiếu món đọt đậu đỏ luộc chấm ruốc dân dã mà cả nhà đều ưa thích. Chỉ thoáng nghĩ qua thôi cả miền nhớ chợt ùa về.

Đọt đậu đỏ non – món ăn dân dã

Năm nào ở quê tôi cứ vào thời vụ này, đi khắp đầu làng đến cuối xóm, vườn nhà ai nhà nấy đều trải dài một màu xanh mướt của cây rau và hoa trái. Những năm tiết trời thuận, bà con chẳng có dịp ngơi tay. Từ trẻ nhỏ đến các cụ già, tùy theo lứa tuổi và sức khỏe mà mỗi người được phân công, đảm nhận các công việc khác nhau. Ai ai cũng tất bật, hối hả chuẩn bị chuyến hàng rau củ để kịp bán mỗi buổi chợ sớm mai.

Ngày còn ở nhà, tôi cũng hay theo ba mạ ra vườn phụ nhổ cải, hái các loại rau dưa và xếp từng nắm rau sao cho thẳng hàng, gọn lối để mạ phân chia thành các bó. Vườn nhà tôi gieo trồng khá nhiều loại rau. Nào cải, xà lách, tần ô, ngò, ném, mướp, dưa chuột, rau dền, rau lang, rau ngót, mùng tơi... để cung ứng cho thị trường cũng như nhu cầu ăn uống của gia đình vào những ngày tết. Ngoài các loại rau đặc trưng kể trên, ba tôi luôn để dành một khoảng đất nhỏ đủ để trồng dăm ba luống đậu đỏ phục vụ sở thích chế biến món ăn của cả nhà. Vì thời điểm này, thời tiết thuộc dạng trái vụ nên cây đậu đỏ trồng ra chủ yếu lấy đọt ngọn và quả non xào nấu làm thức ăn, chứ không để cây kết trái lấy hạt. Nhờ những cơn mưa tưới tắm, cộng với sự chăm sóc khéo léo của người làm vườn đầy kinh nghiệm mà chỉ một tháng sau, cây đậu vươn dài thân ngọn, thi nhau đâm chồi nẩy lộc, chẳng mấy chốc bước vào thời kỳ “dậy thì”.

Nhớ lại những ngày đó, sau khi đã phụ gia đình chuẩn bị đủ số rau củ để đưa lên chợ bán, tôi lại lon ton cầm rá theo mạ sang luống đậu đỏ hái đọt ngọn và các lá non về luộc chấm ruốc ăn cơm. Mạ cẩn thận chỉ cho tôi cách ngắt các đọt ngọn đậu nhanh mà không ảnh hưởng đến cây trồng. Những ngọn vòi tơ đan vào nhau vươn dài đung đưa trong gió. Thỉnh thoảng có nhiều chỗ, cây đậu vì tốt quá nên ngọn đổ rạp, trải dài trên mặt đất níu vướng khiến bước chân tôi ngập ngừng e ngại... chỉ vì sợ lại vấp té ngã.

Đọt đậu đỏ hái về được mạ rửa sạch, để ráo, vo qua phần lá cho hơi mềm để khi luộc đậu sẽ ngon, ăn mềm mại và có vị bùi ngọt. Nước sôi mạ cho ít muối hạt vào nồi rồi đổ đọt đậu ngập trong nước và dùng đũa trở qua trở lại một hai lượt để rau xanh đều, sau đó vớt ra rá. Đợi khi đọt đậu nguội thì tiếp tục vo lại thành từng nắm vừa lòng hai bàn tay và vắt ráo nước, sau đó lại gỡ ra cho tơi và xếp lên dĩa. Nhiều lúc thương chồng con, muốn đổi khẩu vị cho cả nhà, mạ lấy phần đọt đậu luộc xong xào với tóp mỡ bùi béo “đãi” cả nhà những bữa cơm ngon nhớ đời.

Khi đã có đọt đậu luộc đúng cách rồi, mạ tôi mới lấy hũ ruốc nhồi cất trong chiếc cụi gỗ để chưng làm nước chấm. Mạ cho chút dầu vào xoong, phi thơm tỏi, ớt rồi đổ ít nước vào, kèm thêm các gia vị là đường và mì chính. Sau đó mới đổ ruốc vào khuấy tan đều… Đợi nước ruốc chưng sôi, mạ xắt tiếp lá ném cho vào và tắt lửa, kết thúc công đoạn. Nước ruốc chưng múc ra chén mạ dằm thêm ít ớt trái và vắt chanh vào cho thanh vị.

Hương vị ngòn ngọt, bùi ngùi của những đọt đậu mơn mởn, mùi thơm nồng của lá ném, cay xè của ớt trái và mặn mà của nước ruốc, … khiến tôi cảm thấy bụng đói cồn cào, trông cho nồi cơm mau chín.

Món đọt đậu đỏ quê tôi đạm bạc là thế, chén nước ruốc cũng chẳng khá hơn, thế mà chị em tôi tranh nhau ăn sạch. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn quê đậm đà này. Chợt nghe thèm cái hương vị đồng quê dân dã đó!

Bài, ảnh: THẢO YÊN VÂN