Với hơn 2/3 phiếu ủng hộ, tối 11/1, Quốc hội Macedonia đã thông qua sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, dọn đường cho nước này gia nhập NATO và EU.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Macedonia. Ảnh: KURIR/TTXVN
 
Việc đổi tên nước là một phần của Thỏa thuận Prespa mà Macedonia đã đạt được với nước láng giềng Hy Lạp vào mùa hè năm 2018, nhằm giải quyết tranh cãi về tên gọi lãnh thổ kéo dài 27 năm giữa hai nước do Macedonia là tên một tỉnh phía Bắc của Hy Lạp, đồng thời mở đường cho Macedonia gia nhập EU và NATO.

Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Zoran Zaev đã gặp phản đối rất lớn từ phe đối lập đòi Chính phủ từ chức và bầu cử Quốc hội sớm, bởi theo họ Chính phủ đã quá nhượng bộ đối với Hy Lạp khi đổi tên nước. Sau nhiều vòng đàm phán, bế tắc đã được khơi thông vào phút chót chiều tối 11/1, khi Thủ tướng Zoran tuyên bố Chính phủ của ông đã đảm bảo có được sự ủng hộ cần thiết của đa số nghị sĩ để đề xuất sửa đổi Hiến pháp được thông qua.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy, 81 trong tổng số 120 nghị sĩ Quốc hội ủng hộ việc đổi tên nước, nhiều hơn 1 phiếu so với quy định.  Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cách mạng và Dân chủ vì sự thống nhất của Macedonia (VMRO-DPMNE) – Đảng đối lập lớn nhất tại nước này – đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Ngay khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chúc mừng Thủ tướng Zaev và khẳng định NATO ủng hộ việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Prespa vì ổn định và thịnh vượng trong khu vực Balkan. Trước đó, trong chuyến thăm cùng ngày tới Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với việc thực thi thỏa thuận.

Mặc dù vậy, thỏa thuận trên chưa thể có hiệu lực ngay khi nó chưa được Quốc hội Hy Lạp phê chuẩn. Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ do phản ứng tẩy chay của phe đối lập. Dự kiến, Thủ tướng Tsipras sẽ trình lên Quốc hội xem xét thông qua thỏa thuận trong vài tuần lễ nữa./.

Theo VOV