Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Giám đốc quản lý, điều hành Bảo hiểm xã hội tỉnh

Trong xã hội ngày nay, mong muốn “gia nhập” vào “mạng lưới an sinh xã hội” là nguyện vọng của hầu hết mọi người, trong đó có cả những lao động tự do và tiểu thương. Nhiều người có quan niệm chỉ có Nhà nước là chỗ dựa vững chắc ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Đất nước càng phát triển thì rủi ro về tài chính và về sinh mạng ngày càng cao, ý thức của con người cũng vậy. Đã qua rồi thời kỳ bố mẹ phụ thuộc vào con cái về mặt tài chính. BHXH đem lại sự bình đẳng, sự khích lệ về tinh thần cho mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là khi về già. Trong đó, BHXH tự nguyện là bảo hiểm do Đảng, Nhà nước tổ chức với mục đích đảm bảo an sinh xã hội. Mọi công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia.

Vậy, việc đóng BHTN được quy định thế nào?

Người lao động (NLĐ) có thể đóng mức thấp nhất là 154.000 đồng/người/tháng, cao nhất là 6.116.000 đồng/người/tháng. Nhà nước hỗ trợ 46.200 đồng/tháng đối với người nghèo; 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo và 15.400 đồng/tháng đối với những người còn lại khi tham gia BHXH tự nguyện. Mức hỗ trợ kéo dài trong vòng 10 năm. Người dân có nhiều mức để lựa chọn tùy theo khả năng. Tất nhiên, NLĐ đóng mức càng cao, thời gian đóng càng dài thì lương hưu và các chế độ khác càng cao. NLĐ chỉ cần điền thông tin vào mẫu quy định mà không cần nộp bất kỳ giấy tờ nào kèm theo.

Với sự hỗ trợ này, liệu sẽ có một làn sóng những người làm nghề tự do… tham gia BHXH tự nguyện?

Chưa hẳn dễ dàng như vậy. Một trong những rào cản trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là vấn đề tâm lý. Một bộ phận người dân chưa có thói quen tham gia khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Trong khi, BHXH tự nguyện có thời gian kéo dài đến 20 năm. Người dân muốn đóng BHXH tự nguyện nhưng nghĩ đến chặng đường đóng và 20 năm sau mới hưởng thì chưa quen, nhất là NLĐ ở vùng nông thôn, lao động tự do, người nghèo.

Trong khi người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ (dài hạn gồm hưu trí, tử tuất; ngắn hạn gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ dài hạn. Trên thực tế, các chế độ ngắn hạn lại thường được người lao động quan tâm. Sắp tới, chế độ BHXH tự nguyện cũng được điều chỉnh để linh hoạt hơn, tạo ra mức độ hấp dẫn hơn đối với người dân, cả lợi ích dài hạn và ngắn hạn.

Phương thức đóng cụ thể ra sao, thưa ông?

Người tham gia BHXH tự nguyện có nhiều phương thức để lựa chọn cách đóng, hàng tháng, 3 tháng 1 lần, 6 tháng 1 lần, 12 tháng 1 lần, một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (được Nhà nước chiết khấu), đóng số năm còn thiếu (không quá 10 năm) khi đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định (sẽ bị tính lãi) để tháng sau về hưu.

NLĐ được hưởng quyền lợi gì khi tham gia BHXH tự nguyện?

Họ sẽ được cấp sổ BHXH với mã số khác nhau dùng chung cho cả thời gian tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước.

Họ cũng̣ sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng cho đến suốt đời khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ và đã đóng đủ 20 năm BHXH trở lên. Khi nhận lương hưu được cấp thẻ BHYT không phải đóng tiền và được hưởng 95% khi khám, chữa bệnh. Những người không may tử vong thì người thân được nhận trợ cấp từ 3 - 48 tháng lương hưu, tùy thuộc thời gian đã nhận lương hưu nhiều hay ít và mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm tử vong.

Khi NLĐ không có điều kiện để tiếp tục tham gia hoặc tử vong thì số tiền đã đóng có được lấy lại không?

Xin khẳng định, khi NLĐ không có tiền nên ngưng đóng BHXH tự nguyện thì họ được lấy lại tiền đã đóng. Nếu NLĐ tham gia BHTN chưa đến 5 năm nhưng chẳng may qua đời, người thân sẽ được hưởng chế độ BHXH một lần tương ứng một năm đóng bằng 2 tháng lương bình quân đã tính trượt giá. Thời gian đóng BHXH bắt buộc và thời gian đóng BHXH tự nguyện đều được tính khi giải quyết chế độ hưu trí và các chế độ khác.

Làm thế nào để người lao động tiếp cận được chính sách BHXH tự nguyện?

Ngành BHXH đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền chính sách BHXH cũng như giải đáp thắc mắc cho người dân thông qua các hội nghị đối thoại cấp xã, thôn. Các nhân viên đại lý thu UBND xã, phường, thị trấn; nhân viên đại lý thu bưu điện, Công ty Bảo hiểm PVI tiếp tục tư vấn, tổ chức thu nộp thuận tiện cho người dân. Các hình thức tuyên truyền, như phát tờ rơi, treo pano áp phích nơi công cộng… để người dân tiếp cận với chính sách. Sau khi NLĐ tham gia, ngành bảo hiểm cấp sổ nhanh chóng, giải quyết các chế độ BHXH kịp thời, thủ tục đơn giản.

Là người phụ trách cơ quan BHXH, ông có khuyến nghị gì để cải thiện việc tiếp cận BHXH tự nguyện của NLĐ?

Chúng tôi sẽ đào tạo một mạng lưới nhân viên đại lý thu ở tận cơ sở, gần gũi, có tâm và có uy tín với dân, có đủ khả năng thuyết phục người dân tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc một cách nhanh chóng, thực hiện quyết liệt Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương; HĐND các cấp phải đưa kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương mình.

2018 là năm vượt chỉ tiêu lên đến 125% NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Làm cách nào để có được con số ấn tượng đó?

Đó là sự nỗ lực không ngừng của ngành BHXH và hệ thống chính trị tỉnh nhà. Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, các nhân viên đại lý thu… người dân bằng nhiều kênh thông tin đã nắm được phần nào về chính sách. Năm nay BHXH phối hợp với chính quyền địa phương để đối thoại trực tiếp với dân từ cấp xã đến thôn, thậm chí đến hộ gia đình, người dân từ hồ nghi đến khi được thấy rõ quyền lợi thiết thực mà Đảng và Nhà nước đem đến cho mình đã tức thì hưởng ứng. Chắc chắn, chính sách BHXH sẽ ngày càng lan tỏa trong những năm về sau.

HUẾ THU (Thực hiện)