Đội QLTT số 2 phát hiện lượng lớn hàng áo quần giả nhãn hiệu tại các điểm tập kết, kinh doanh cố định trên địa bàn

Phát hiện, xử lý gần 200 vụ vi phạm 

So với thời điểm này của những năm trước, số vụ bị bắt giữ, xử lý do buôn lậu và các vi phạm trong kinh doanh thương mại tăng cao. Từ giữa tháng 12/2018 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 200 vụ vi phạm.

Ông Dương Đắc Hoan, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho rằng, so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ vi phạm tăng cao hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn mở đợt cao điểm ra quân theo Công văn 1274 của Tổng cục QLTT về kiểm tra kiểm soát (KTKS) thị trường dịp cuối năm 2018, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đơn vị đã xử lý 250 triệu đồng tiền phạt, hàng tạm giữ có giá trị gần 4 tỷ đồng, hàng đến hạn tịch thu gần 300 triệu đồng. Mũi nhọn trong đợt cao điểm này là tập trung chống buôn lậu lưu thông trên tuyến và trên địa bàn cố định để ngăn chặn kịp thời hàng vi phạm tiêu thụ, phát tán ra thị trường dịp trước, trong, sau tết.

Trong đợt ra quân, các đội QLTT đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vụ xe đầu kéo rơ-mooc 53R0073 vận chuyển một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả nhãn hiệu, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ... đã bị cơ quan QLTT phối hợp với lực lượng công an bắt giữ trên tuyến đường tránh TP. Huế ngày 26/12 được cho có tính chất vi phạm về hàng giả, hàng lậu tương đối nghiêm trọng. Trong đó, có hơn 15 chủng loại mặt hàng như áo quần, giày, túi xách, nội y, đồ điện tử, hóa mỹ phẩm... dùng để tiêu thụ trong đợt cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán 2019.

Ngoài ra, còn nhiều vụ vận chuyển hàng hoá trên tuyến lưu thông bị phát hiện, bắt giữ do không có hoá đơn chứng từ, hàng hoá do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được vận chuyển từ Bắc vào Nam tiêu thụ, như: bia nhập ngoại Corona, Heineken, bánh kẹo, các loại hạt, mỹ phẩm, áo quần, đồ chơi trẻ em...

Đối với chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn cố định đã được lực lượng QLTT tập trung KTKS tại các điểm tập kết, các kho hàng, các nơi phát luồng hàng hoá, theo dõi lịch trình của các xe đi về để kiểm tra hàng vận chuyển trên tuyến lưu thông.

Gần đây nhất, vào ngày 30/12/2018, Đội QLTT số 2 đã phát hiện và tạm giữ 1.800 áo ghi nhãn hiệu Gucci không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được tập kết gần cây xăng Ngô Đồng, khu quy hoạch Bắc Hương Sơ, TP. Huế. Qua xác minh, đại diện theo ủy quyền của Công ty Gucci xác nhận đây là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu "Gucci". 

Trước đó, Đội QLTT số 4 đã phát hiện, tịch thu hàng trăm đồ chơi bạo lực gồm súng, kiếm thuộc diện hàng cấm tại chợ Quảng Vinh, xã Quảng Vinh (Quảng Điền).

Tập trung chống vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu 

Theo nhận định của cơ quan chức năng, công tác chống buôn lậu khó lường trước tình hình, diễn biến cũng như ước lượng được số vụ việc phát sinh. Khả năng từ đây đến gần Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng sẽ rất phức tạp.

Cục QLTT đã đề ra các nhóm lĩnh vực cần KTKS, trong đó tập trung chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm thương mại; KTKS chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, gian lận về đo lường; KTKS về an toàn thực phẩm, nhất là tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng đông lạnh, những cơ sở chế biến thức ăn chín, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đường phố.

Các mặt hàng, nhóm hàng được tập trung thực hiện gồm: pháo, pháo hoa, vật liệu nổ, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, rượu, bia, đường, thuốc lá, đồ điện tử, bánh kẹo, mứt, hàng may mặc, đồ gia dụng, xăng dầu, tân dược, mỹ phẩm, lương thực thực phẩm, thực phẩm đã qua chế biến từ gia súc gia cầm...

Để ngăn ngừa vi phạm, bảo đảm ổn định thị trường phục vụ tết, lực lượng QLTT kết hợp kiểm tra các biểu hiện, hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, đo lường, ghi nhãn, giá hàng hoá, tập trung vào các đối tượng đầu nậu, những đường dây vận chuyển, các điểm tập kết, các luồng hàng hoá, thanh toán phi truyền thống, hoạt động mua bán qua mạng xã hội, thương mại điện tử...

Thông qua KTKS, lực lượng chức năng lồng ghép tuyên truyền pháp luật đến các đối tượng kinh doanh cấm kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bài, ảnh: Hoài Thương